Bạn đã biết cách phòng tránh và điều trị sốt xuất huyết đúng cách?

Khỏe thật đơn giản, icon
06:40 ngày 05/07/2017

VTV.vn - Sốt xuất huyết có thể đe dọa tới tính mạng của mọi người. Tất cả mọi lứa tuổi, từ người già đến trẻ em, đều có thể bị sốt xuất huyết nếu không phòng ngừa và điều trị đúng.

Hiện nay, chưa có loại vắc-xin hay thuốc đặc trị có khả năng điều trị triệt để căn bệnh sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Bệnh lây truyền chủ yếu do muỗi vằn hút máu và truyền virus từ người bệnh sang người lành. Loại muỗi này có nhiều khoang trắng ở lưng và chân, cư trú nhiều trong nhà tại những nơi ẩm thấp, có góc tối như gầm giường, gầm tủ.

Đầu tiên, muỗi cái hút máu bệnh nhân nhiễm virus Dengue. Sau đó, virus này ủ bệnh và nhân lên trong cơ thể muỗi từ 8 - 11 ngày rồi tiếp tục truyền bệnh sang người trong thời gian đó khi muỗi hút máu. Vòng tuần hoàn lặp lại khi muỗi hút máu cơ thể người bệnh, truyền sang cơ thể mình và lây sang cơ thể người khác.

Không chỉ ở vùng nông thôn, những bụi rậm hay những căn nhà ẩm thấp, muỗi vằn có thể xuất hiện ở ngay cả trên những tòa nhà cao tầng. Do đó, ở bất cứ nơi đâu, chúng ta đều có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết. Căn bệnh này thường khởi phát đột ngột và chưa rõ ràng trong những ngày đầu mắc bệnh. Vì vậy, nếu bạn bị sốt trong khoảng 3 - 4 ngày mà chưa đỡ kèm theo các hiện tượng chóng mặt, buồn nôn hay phát ban, hãy ngay lập tức tới gặp bác sĩ.

Sốt xuất huyết là một căn bệnh khá có tính đặc thù. Bệnh nhân bị sốt xuất huyết thường sốt cao, mệt mỏi và kém ăn. Đặc biệt, khi bị sốt xuất huyết, nguy hiểm nhất là tình trạng bị sốc, thoát huyết tương gây cô đặc máu. Do đó, đối với những bệnh nhân bị sốt xuất huyết, chế độ dinh dưỡng là vô cùng quan trọng.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Cần loại bỏ các dụng cụ chứa nước không cần thiết để muỗi không có nơi sinh sản, thau rửa các dụng cụ chứa nước nhỏ và vừa hàng tuần, đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để ngăn muỗi đẻ trứng. Ngoài ra, còn cần thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa…Tích cực dọn vệ sinh môi trường sinh hoạt hàng ngày, thả cá hoặc Meso vào các dụng cụ chứa nước lớn như bể, giếng, chum, vại để diệt loăng quăng, bọ gậy. Phải thường xuyên mắc màn khi ngủ để tránh muỗi đốt.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục