Báo động xu hướng gia tăng tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ

Phương Anh, icon
11:35 ngày 21/11/2023

VTV.vn - Tình trạng đột quỵ ở người trẻ đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Nhận biết đầy đủ nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa là để bảo vệ chính mình.

Nếu trước đây các trường hợp đột quỵ thường chỉ xảy ra ở người trung niên và người cao tuổi (trên 65 tuổi) thì hiện nay, đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa ở nhóm đối tượng dưới 50 tuổi. Trong đó, các triệu chứng của đột quỵ bao gồm: Đột ngột đau đầu dữ dội, giảm thị lực, đột ngột có cảm giác tê yếu hoặc liệt ở mặt, đột ngột không nói được, giọng nói bị thay đổi, khó khăn trong phát âm.

Báo động xu hướng gia tăng tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ - Ảnh 1.

Theo các thống kê của Bộ Y tế tại Việt Nam, tỷ lệ người đột quỵ là người trẻ và trung niên chiếm 1/3 trong tổng số các trường hợp đột quỵ. Tỷ lệ người đột quỵ ở người trẻ tuổi cũng đang tăng ở mức 2% mỗi năm. Đáng chú ý số người bệnh là nam giới thì cao gấp 4 lần nữ giới.

Như người phụ nữ này, chị vẫn chưa hết bàng hoàng bởi mới chỉ 30 tuổi đã bị đột quỵ, dù trước đó, sức khỏe của chị hoàn toàn bình thường. Người bệnh nhân này cho hay: "Mình hay bị đau đầu và chỉ nghĩ do thức khuya nên thế thôi chứ chưa bao giờ nghĩ mình bị đột quỵ, mình vẫn còn ít tuổi. "

Báo động xu hướng gia tăng tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ - Ảnh 2.

Do thường xuyên thức khuya nên người bệnh này không may bị đột quỵ.

Dù đã mắc đột quỵ nhưng người bệnh nhân nam 40 tuổi này bị tái mắc lần 2. Điều đáng nói, người nhà bệnh nhân lại chủ quan, không đến viện ngay mà ở nhà tự sơ cứu sai cách. "Mình tự tìm hiểu trên mạng về cách sơ cứu người bị tai biến thì người ta bảo châm các đầu ngón tay rồi nặn máu ra." - Người nhà bệnh nhân cho biết.

Báo động xu hướng gia tăng tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ - Ảnh 3.

Tự điều trị bằng cách tra thông tin trên mạng nên người bệnh bị trở nặng.

Giải thích về tình trạng sơ cứu sai cách ở người bệnh, bác sĩ Trần Đăng Huân, Khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết: châm cứu hoặc là xoa bóp, gần như không có tác dụng gì. Các bác sĩ cũng không khuyến cáo làm các động tác đó, mà quan trọng là ngay khi có các triệu chứng dù có rõ ràng hay không, chỉ cần nghi ngờ thì nên đến ngay các bệnh viện.

Ghi nhận tại các bệnh viện, số lượng bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi bị đột quỵ tăng 20-25%, tăng gấp đôi so với các năm trước, 76% bệnh nhân nhập viện muộn sau 6 giờ khởi phát của bệnh. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự chủ quan, bỏ qua các dấu hiệu nhận biết. "Chóng mặt, nói khó, tê bì nửa người thì nhiều người thường xuyên bỏ qua và nghĩ bị vấn đề khác chứ không phải đột quỵ. Các bạn trẻ thường nghĩ đột quỵ là bệnh của người già." - Bác sĩ Phạm Văn Cường, Khoa Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết.

Bác sĩ, Thạc sĩ Đoàn Thị Ngọc Hà, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam nhận định, lý do đột quỵ ở người trẻ tăng lên chủ yếu do một số nguyên nhân. Bệnh lý đầu tiên có thể kể đến là dị dạng mạch máu não, mạch máu có thể có những túi phình hoặc tắc nghẽn. Thứ hai là bệnh lý mãn tính không lây (tăng huyết áp, tiểu đường,...). Trước đây, những bệnh lý này thường gặp ở những người trung niên nhưng ngày nay lại phổ biến hơn ở người trẻ, đặc biệt là lứa tuổi 20-30.

Báo động xu hướng gia tăng tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ - Ảnh 4.

ThS. Bác sĩ Đoàn Thị Ngọc Hà cảnh báo tình trạng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ tăng cao.

Ngoài ra những thói quen về sinh hoạt, ăn uống, vận động có thể gây nên đột quỵ. Chẳng hạn như thói quen hút thuốc lá, một số báo cáo đã chỉ ra rằng 50% số người trẻ bị đột quỵ có thói quen hút thuốc lá, trong thuốc lá có chứa hơn 7000 hóa chất độc hại, khi tích lũy trong cơ thể sẽ gây ra những tổn thương, xơ vữa mạch máu, từ đó gây ra những nguy cơ về đột quỵ cao hơn. Bên cạnh đó, thói quen ít vận động, di chuyển đi lại, cùng với đó là ăn những thức ăn nhanh hoặc chứa nhiều dầu mỡ sẽ khiến việc tích lũy mỡ thừa trong máu cũng như gây ra nguy cơ xơ vữa động mạch.

Bác sĩ khuyến cáo mỗi người cần phải cân đối giữa các nhóm thực phẩm với nhau, tăng cường rau xanh nhưng đồng thời đảm bảo những nhóm chất sinh năng lượng như protein (cá, thịt trắng, trứng, hạn chế các loại thịt đỏ), bổ sung lipit, gluxit,... Bên cạnh đó không quên cân bằng thói quen tập thể thao tối thiểu 30 phút/ngày và nên khám sức khỏe định kỳ từ 3-6 tháng/lần để sàng lọc và phát hiện yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe.

Đột quỵ ở người trẻ có thể tước đi sinh mạng và cuộc sống của người bệnh. Vì thế, cần chủ động tầm soát đột quỵ định kỳ để có thể phòng ngừa đột quỵ ở người trẻ nói riêng và đột quỵ ở mọi người nói chung.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục