Bé trai 4 tháng tuổi bụng phình to vì 'thai trong thai'

Linh Chi, icon
07:11 ngày 09/01/2019

VTV.vn - Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) vừa phẫu thuật thành công khối u thai hiếm gặp trong bụng một bé trai 4 tháng tuổi ở Trà Vinh.

Các bác sĩ cắt bỏ thành công khối u thai hiếm gặp cho bệnh nhi.

Bé trai được gia đình đưa đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 do bụng ngày càng to lên. Kết quả CT.scan bụng cho thấy: một khối gồm mô đặc, mô mỡ, mô xương kèm với hộp sọ, cột sống và xương sườn chiếm hết một nửa bụng phải của bệnh nhi. Bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật loại bỏ khối u.

Theo bác sĩ Nguyễn Trần Việt Tánh, Khoa Ngoại tổng hợp, bệnh nhi chỉ mới 4 tháng tuổi nhưng khối u thai này đã chiếm hơn một nửa bụng phải. Khối u có đường kính khoảng 12cm, nặng 1,5kg. Đặc biệt, khối u nằm ở vị trí sau phúc mạc, khá gần và dính vào các cấu trúc quan trọng, trong đó có bó mạch của thận phải và động mạch chậu. Ngoài ra, còn chèn ép vào niệu quản khiến thận phải bị ứ nước.

Bé trai 4 tháng tuổi bụng phình to vì thai trong thai - Ảnh 1.

Khối u thai được loại bỏ của bệnh nhi.

Ca mổ diễn ra khoảng 1 tiếng, bệnh nhi không bị mất máu và không cần phải nằm hồi sức theo dõi.

Bệnh nhi mắc tình trạng kỳ lạ và hiếm gặp được gọi là "thai trong thai" (Fetus in fetu). Nghĩa là có một khối mô có cấu trúc giống bào thai (chân tay, bìu, xương sọ, thận, đốt sống, da, tóc...) phát triển bên trong cơ thể thai nhi.

ThS.BS Vũ Trường Nhân, Phó Khoa Ngoại tổng hợp chia sẻ: có hai giả thuyết về sự phát triển thai trong thai. Giả thuyết thứ nhất, thai trong thai có thể là khối bướu quái trưởng thành biệt hóa cao. Giả thuyết thứ hai, thai trong thai có thể là một thai ký sinh trong cơ thể anh chị em song sinh của nó.

Ở giai đoạn rất sớm của song thai đồng hợp tử, hai thai này có cùng một bánh nhau, một thai cuộn tròn lại và bao quanh thai kia. Thai được bao phủ trở thành thai ký sinh, cuộc sống của nó phụ thuộc hoàn toàn vào người anh chị em song sinh (được gọi là ký chủ).

Qua đây, ThS.BS Vũ Trường Nhân khuyến cáo: để phòng tránh các dị dạng thai nhi nói chung, trong thời kỳ thai nghén, đặc biệt là ba tháng đầu, các bà mẹ nên cẩn trọng, tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại, tia phóng xạ. Bên cạnh đó, chỉ dùng thuốc được bác sĩ kê đơn, không tự ý uống thuốc không rõ loại dù là thuốc bổ, tân dược hay thảo dược.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục