Đơn cử như trường hợp bệnh nhân T.V.D., 37 tuổi, trú tại Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh, được người nhà cõng vào phòng khám để bác sĩ khám vì sưng đau ngón chân cái và khớp cổ chân đã 4 ngày nay.
Bệnh nhân chia sẻ: Tết vừa rồi, bệnh nhân ăn Tết như bình thường, hầu như ngày nào cũng có nhậu và uống nhiều rượu bia. Đến sáng ngày mùng 5 Tết, tự nhiên bệnh nhân thấy đau, sưng ngón chân cái bên phải, sau đó 2 ngày thì sưng đau thêm ngón chân cái và cổ chân bên trái; khớp đau dữ dội, anh không thể tự đi lại được.
Khi khám bệnh, bệnh nhân thậm chí không dám để tay bác sĩ chạm vào khớp vì sợ đau. Khai thác bệnh sử, khoảng một năm trước, bệnh nhân đã có đợt đau sưng khớp tương tự. Bệnh nhân điều trị sau 1 tuần thì hết triệu chứng, nghĩ là đã hết bệnh nên sau đó không điều trị gì.
Theo thông tin chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Đình Khoa, Trưởng Khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Chợ Rẫy, sau Tết, thường có nhiều bệnh nhân bị gout đến khám và điều trị. Trong đó có những bệnh nhân bị bệnh lần đầu, nhưng không ít bệnh nhân đã có bệnh gout từ trước và bị đợt cấp tái diễn trong hoặc ngay sau kỳ nghỉ Tết.
Tết, với thời gian nghỉ ngơi khá dài, thực sự luôn là dịp tốt để mọi người được sum vầy vui vẻ, thư giãn bên gia đình, bà con họ hàng, bạn bè và thưởng thức những món ăn ngon và các đặc sản cổ truyền ngày Tết. Tuy nhiên, với những người mắc bệnh gout hoặc hoặc lâu nay có sẵn tăng axit uric trong máu thì có thể có nguy cơ "mất vui" giữa chừng vì các cơn viêm khớp do bệnh gout mới xuất hiện hoặc bị tái diễn một cách dữ dội ngay trong hoặc sau những ngày nghỉ Tết nếu như không có các biện pháp phòng ngừa và điều trị thích hợp.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Khoa, gout là một bệnh do rối loạn chuyển hóa chất purine trong cơ thể,dẫn đến lắng đọng các tinh thể muối urate ở khớp và một số cơ quan khác, gây ra những đợt sưng đau khớp tái diễn. Những cơn viêm khớp gout ban đầu hay gặp ở ngón chân cái, cổ chân, hay khớp gối thường rất khủng khiếp, gây đau đớn chẳng khác nào bị dao đâm chọc vào khớp và nhiều khi đến thật bất ngờ, thậm chí ngay trong hoặc sau một bữa tiệc thịnh soạn hay đang trong một giấc ngủ ngon về ban đêm. Nếu không được chữa trị một cách hợp lý, những cơn viêm khớp này có xu hướng tái đi, tái lại và thường sẽ tiến triển đến viêm đa khớp mạn tính, nổi các nốt cục (được gọi là tophi) ở nhiều nơi và có thể gây sỏi thận, suy thận và những biến chứng khác. Mặc dù bệnh hay gặp nhất ở nam giới, tuổi trung niên trở lên; song nam giới trẻ tuổi và phụ nữ (thường ở độ tuổi sau mãn kinh) cũng có thể bị bệnh.
Một khi được chẩn đoán bệnh gout, người bệnh cần có chế độ điều trị hợp lý, kết hợp giữa việc thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt và sử dụng một số thuốc đặc trị bệnh gout một cách thường xuyên và lâu dài, ngay cả khi không có triệu chứng gì. Việc điều trị bệnh gout sẽ bao gồm hai vấn đề chính là khống chế và dự phòng các đợt viêm khớp (bằng các thuốc kháng viêm) và hạ thấp nồng độ axit uric trong máu (thông qua điều chỉnh chế độ ăn uống và sử dụng các thuốc hạ axit uric máu). Các biện pháp điều trị cụ thể sẽ do bác sĩ chỉ định tùy vào giai đoạn và tình trạng cũng như cơ địa của người bệnh.
Để phòng ngừa các cơn viêm khớp gout tái phát trong hoặc sau dịp lễ Tết, người bị bệnh gout hoặc có nguy cơ bị bệnh gout cần tiếp tục duy trì các thuốc điều trị đã được bác sĩ kê toa; đừng vì vui Tết mà bỏ thuốc luôn hoặc uống thuốc thất thường. Việc ngưng thuốc đột ngột, dù vào bất cứ thời điểm nào đều có nguy cơ làm cho bệnh bùng phát. Tốt nhất, trước dịp Tết người bệnh nên đi tái khám bác sĩ và nếu cần sẽ được cho xét nghiệm kiểm tra nồng độ axit uric máu, chức năng gan thận để thầy thuốc đánh giá và điều chỉnh thuốc nếu cần.
Người bị bệnh gout và kể cả những người có tăng axit uric máu đơn thuần cần phải chú ý tới việc ăn uống của mình, đặc biệt vào những dịp đặc biệt như lễ Tết. Đừng nên viện cớ là Tết thì có thể "thả phanh", "xả láng" một chút với gia đình, bạn bè cho vui vẻ. Những bữa cỗ Tết thịnh soạn, chứa quá nhiều chất đạm, cộng với việc uống rượu bia triền miên trong những ngày Tết sẽ làm gia tăng đột ngột nồng độ axit uric trong máu và là điều kiện tốt để gout xuất hiện, thậm chí ngay cả khi bạn đang dùng các thuốc điều trị bệnh.
Vì vậy, cũng giống như ngày thường, trong những ngày Tết cố gắng hạn chế (tránh ăn nhiều) các thực phẩm quá giàu chất đạm như các loại thịt đỏ (thịt bò, cừu, dê, thịt thú rừng…), các loài hải sản nhuyễn thể (tôm, cua, sò, một số loại cá như cá trích, cá đối, cá mòi…), nấm, đậu, rau mầm; nên tránh tuyệt đối việc ăn các thực phẩm là phủ tạng động vật như lòng heo, tiết canh, hột gà lộn, hột vịt lộn; hạn chế tối đa việc uống rượu bia và các loại đồ uống ngọt như nước siro, nước ngọt có gas.
Người bị bệnh gout cũng cần nhớ phải duy trì việc uống đầy đủ nước hàng ngày; tăng cường ăn rau xanh và các loại trái cây tươi, đặc biệt là các loại rau quả giàu vitamin C và có thể uống sữa, ăn sữa chua bình thường; đồng thời tiếp tục duy trì kiểm soát bữa ăn của mình một cách hợp lý để không bị tăng cân sau mấy ngày Tết nếu bạn đang bị thừa cân.
Nên làm gì nếu chẳng may bị cơn viêm khớp gout tấn công trong hoặc sau những ngày nghỉ Tết, tốt nhất người bệnh nên đi khám bệnh càng sớm càng tốt hoặc nếu có thể liên hệ với bác sĩ lâu nay vẫn khám và điều trị cho mình để có tư vấn và biện pháp điều trị phù hợp kịp thời. Cần nhớ là với các đợt viêm khớp cấp do bệnh gout thì càng điều trị sớm, hiệu quả điều trị càng cao và thời gian hết sưng đau khớp càng rút ngắn.
Trong thời gian chờ đợi đi khám bệnh, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp sau để tạm thời giúp giảm cơn đau khớp:
Tiếp tục dùng các thuốc điều trị gout đã được bác sĩ chuyên khoa kê trước đó nếu lâu nay vẫn đang dùng. Trong trường hợp chưa có thuốc gì mà khớp đau nhiều và chưa thể đi bệnh viện, có thể mua dùng tạm một loại thuốc kháng viêm không chứa steroid loại bán không cần kê toa với liều khuyến cáo ghi trên nhãn thuốc, tất nhiên nếu không có vấn đề gì đặc biệt về dạ dày, bệnh thận, hay bệnh tim mạch. Tốt nhất, việc dùng bất kỳ thuốc gì cũng nên theo hướng dẫn của bác sĩ.
Để cho khớp viêm được nghỉ ngơi bằng cách nằm nghỉ tại giường, hạn chế tối đa cử động khớp, tránh đi lại tỳ đè lên khớp đau; tháo bỏ giầy dép, mặc quần áo rộng để tránh quần áo cọ xát vào khớp đau.
Khi nằm, nên kê cao khớp viêm cao hơn một chút so với mặt giường, ví dụ như kê chân đau lên trên một cái gối.
Chườm lạnh: Dùng đá lạnh đã được bọc trong khăn vải chườm nhẹ hoặc đắp lên quanh khớp bị sưng đau khoảng 20-30 phút mỗi lần, vài lần mỗi ngày khi khớp vẫn còn đang sưng đau tấy đỏ nhiều.
Uống nhiều nước, kiêng tuyệt đối rượu bia và tuân thủ chế độ ăn uống như đã trình bày ở trên.
Khi cơn viêm khớp ổn, tiếp tục duy trì việc điều trị bệnh gout theo chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
VTV.vn - Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) vừa phẫu thuật trong đêm cứu sống bệnh nhi ngay sau khi chào đời tại Khoa Sản – Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.
VTV.vn - Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận nam bệnh nhân 62 tuổi, trong tình trạng suy thận cấp, rối loạn nhịp tim rung nhĩ, đường huyết tăng cao không kiểm soát...
VTV.vn - Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) vừa kịp thời xử trí, cứu sống một bệnh nhân bị ngộ độc thuốc tê.
VTV.vn - Tình hình dịch bệnh sởi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang diễn biến phức tạp và đáng lo ngại.
VTV.vn - Sáng nay 22/11, tại TP Cam Ranh (Khánh Hòa), Tàu 414 Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã tiến hành bàn giao ngư dân bị bệnh trên tàu cá cho gia đình và chính quyền địa phương.
VTV.vn - Mới đây, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận một bệnh nhân đái tháo đường nhập viện trong tình trạng viêm tụy cấp do rượu.
VTV.vn - Tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi là biện pháp tăng cường giúp bảo vệ trẻ khi dịch sởi đang gia tăng trong nhóm tuổi này.
VTV.vn - Trong khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận 6 trường hợp bệnh nhân chấn thương nặng do sử dụng pháo, mìn tự chế.
VTV.vn - Sở Y tế Đồng Nai vừa có thông cáo báo chí về tình hình dịch sởi trên địa bàn tỉnh.
VTV.vn - Đây là chủ đề của Tuần lễ Nâng cao nhận thức về kháng thuốc (18 - 24/11) do Tổ chức Y tế thế giới đưa ra.
VTV.vn - Trước khi quyết định tháo túi ngực và đặt lại, cần nắm rõ những lưu ý quan trọng để đảm bảo an toàn, đạt kết quả thẩm mỹ như ý.
VTV.vn - Một nghiên cứu vừa công bố trên Tạp chí Y học Thể thao của Anh đã chỉ ra rằng, chịu khó vận động có thể kéo dài tuổi thọ ít nhất 5 năm.
VTV.vn - Các bác sĩ chỉnh hình cho rằng, sức khỏe của xương khớp rất quan trọng, liên quan mật thiết đến sức khỏe tổng thể của mỗi người.
VTV.vn - Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E vừa can thiệp cấp cứu và thành công cứu sống một nam thanh niên nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.
VTV.vn - Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 420.000 người tử vong do ngộ độc thực phẩm.