Bệnh lý khớp vai không thể coi thường

Phương Thanh, icon
10:18 ngày 10/01/2019

VTV.vn - Khớp vai là một trong những khớp lớn của cơ thể, thường xuyên được sử dụng trong vận động hằng ngày nên rất dễ bị tổn thương.

Hình minh họa (Ảnh: arthritis-health).

Thực tế những bệnh lý về khớp vai chiếm tới 10% bệnh lý về khớp, nhưng nhiều người dân còn chủ quan với các bệnh lý này nên có cách điều trị chưa đúng, dẫn đến tình trạng nặng hơn.

Bệnh nặng mới chịu vào viện

Cách đây 2 tháng, bà Phạm Thị Liên (69 tuổi, trú tại Vĩnh Cửu, Đồng Nai) bị té ngã khi với tay lên cao để cột dây. Sau đó, tay bà bị sưng to, không đưa tay lên cao được, toàn cánh tay trái bị đau nhức từ cẳng tay lên đến vai. Đặc biệt khi đêm về, chỗ vùng vai bị chấn thương càng đau dữ dội khiến bà không tài nào ngủ được, dẫn đến sụt cân nhanh. Thế nhưng bà Liên không đi khám mà chỉ mua thuốc tây về uống. Kết quả: bệnh không khỏi mà càng nặng thêm, khi đó bà Liên mới chịu đến bệnh viện khám, điều trị.

Còn ông Chu Hữu Phúc (61 tuổi, trú tại Biên Hòa, Đồng Nai) cũng bị đau ở vai từ cách đây 1 tháng. Vai trái của ông bỗng dưng bị đau rồi dần dần đau nặng thêm, khiến ông vận động rất khó khăn. Nhưng ông không đến bệnh viện khám ngay. Chỉ đến khi có hiện tượng cứng khớp, cánh tay không cử động linh hoạt như trước được ông mới đi khám. Hiện, ông đã được bác sĩ Khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) chỉ định phẫu thuật để giải phóng khớp vai.

Theo bác sĩ Nguyễn Tường Quang, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng, trong những năm qua, sau khi bệnh viện triển khai điều trị bệnh lý về khớp vai (điều trị nội khoa và điều trị phẫu thuật nội soi) khoa ghi nhận bệnh nhân đến khám, điều trị ngày càng nhiều. Hiện nay, một số bệnh lý khớp vai thường gặp như: trật khớp vai tái hồi, rách chóp xoay…

Khi bị những bệnh lý này, bệnh nhân thường nghĩ đơn giản là mua thuốc tây về uống, kết quả bệnh không khỏi mà còn kéo dài thời gian. Đặc biệt với những bệnh nhân lớn tuổi khi bị rách chóp xoay, các chất nhờn ở khớp vai lờn và ít đi, ít vận động, sau 2 - 3 tuần sẽ đau và dẫn tới cứng khớp vai, làm cho việc điều trị cũng trở nên khó khăn hơn.

"Đối với 2 bệnh nhân trên do chủ quan để quá lâu dẫn tới cứng khớp vai. Do đó, trước hết bệnh nhân phải giải phóng khớp và cho uống thuốc, sau đó mới phẫu thuật được" - bác sĩ Quang nói.

Nên thăm khám, điều trị kịp thời

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Anh, Phó Chủ tịch Hội Y học Thể thao TP. Hồ Chí Minh, giảng viên Hiệp hội nội soi khớp Bắc Mỹ: khi té ngã, vai là nơi tác động đầu tiên, hay làm việc nặng lặp đi lặp lại, đặc biệt là những động tác giơ tay cao quá đầu làm cho khớp vai phải chịu lực. Bệnh lý khớp vai là bệnh phổ biến trong dân số, có thể chiếm tới 10% bệnh lý về khớp, nhưng do khi đau vai mọi người dễ nhầm lẫn với bệnh lý cột sống hoặc đau vai. Nhiều người còn cho rằng: đó là bệnh lý bong gân nhẹ, rồi tự đi bó thuốc, coi thường nó, cho tới lúc đến bệnh viện thì bệnh đã trở nên nghiêm trọng và khó điều trị.

Trong cơ thể khớp vai là khớp của chi trên có vai trò rất quan trọng. Vai là nơi khởi phát tất cả các vận động của toàn bộ tay, do vậy những bệnh lý khớp vai thường gặp rất nhiều, nhất là ở người hay mang vác nặng, chơi thể thao thường xuyên.

Do đó, khi chơi thể thao, cụ thể là các môn cầu lông, tennis người chơi nên vận động trước khi chơi để hạn chế những bệnh lý mắc phải về khớp vai. Còn khi bị đau cơ vai, người bệnh cần dừng ngay các hoạt động thể lực và cần phải nghỉ ngơi. Nếu như những cơn đau nhức vẫn tiếp tục xảy ra thì tốt nhất nên đến các phòng khám chuyên khoa xương khớp để kiểm tra, thăm khám, tránh tự ý điều trị sẽ làm cho bệnh nặng hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục