Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện thành công 200 ca ghép gan

P.V, icon
08:18 ngày 25/11/2023

VTV.vn - Đây là một thành tựu ấn tượng trong lĩnh vực ghép tạng Việt Nam nói chung và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nói riêng.

Bước tiến mới trong lĩnh vực ghép tạng

Bệnh viện đã triển khai thực hiện ghép gan trong nhiều tình huống và nhiều loại hình ghép khác nhau: ghép gan cấp cứu, ghép gan theo kế hoạch, ghép gan lấy từ người hiến chết não, ghép gan lấy từ người cho sống, ghép gan cho người lớn, ghép gan cho trẻ em, ghép gan bất đồng nhóm máu. Đặc biệt là đã ứng dụng thành công kỹ thuật nội soi lấy mảnh gan ghép và ghép gan, lấy ghép gan tại chỗ và tổ chức điều phối lấy ghép gan xuyên Việt với rất nhiều ca đặc biệt, ghi những dấu ấn sâu sắc.

Mỗi năm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện từ 40 - 50 ca ghép gan, số lượng ca ghép đang tăng lên nhanh chóng, dự kiến đạt 100 - 150 ca/mỗi năm trong những năm tới. Bệnh viện là đơn vị ghép gan từ người cho sống nhiều nhất cả nước.

Ca ghép gan thứ 200 là ca ghép gan bất đồng nhóm máu ABO giữa người hiến và người nhận (bà nội hiến gan cho cháu gái). Đây là lần đầu tiên tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 triển khai ghép gan bất đồng nhóm máu cho trẻ nhỏ (15 tuổi). Những trường hợp bất đồng về nhóm máu sẽ được điều trị khác với các trường hợp cùng nhóm máu.

PGS.TS Lê Văn Thành – Viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa chia sẻ về điểm khác biệt của ca ghép bất đồng nhóm máu: "Trước ghép 3 tuần, bệnh nhân được đánh giá hiệu giá kháng thể nhóm máu của người hiến, sau đó sẽ điều chỉnh hiệu giá kháng thể, điều trị giải mẫn cảm bằng thuốc ức chế miễn dịch retuximab kết hợp với lọc huyết tương để đưa nồng độ kháng thể nhóm máu của người hiến xuống 1/16 thì sẽ tiến hành ghép. Quá trình ghép, về mặt kỹ thuật không có gì khác biệt. Hiện nay, có những loại thuốc điều chỉnh ức chế miễn dịch và có thể điều trị cho bệnh nhân bất đồng nhóm máu, kết quả sống sau 5 năm tương đương với nhóm bệnh nhân cùng nhóm máu".

Tại Việt Nam, ghép tạng từ nguồn cho bất đồng nhóm máu ABO đã được thực hiện trên bệnh nhân ghép thận và trên nhóm ghép gan ở trẻ em, tuy nhiên trên nhóm bệnh nhân lớn tuổi hơn thì cần quy trình điều trị ức chế miễn dịch trước ghép chặt chẽ hơn. Mặc dù miễn dịch của người lớn phức tạp hơn ở trẻ em và lượng bệnh nhân ghép gan ngày càng tăng, nguồn gan hiến hạn chế, từ đó, việc triển khai ghép gan bất đồng nhóm máu giúp tăng cơ hội sống cho người cần được ghép gan.

Kế hoạch phát triển ghép gan trong thời gian tới

Trong thời gian tới, bệnh viện tiếp tục triển khai ghép gan cấp cứu; Thực hiện thường quy kỹ thuật lấy mảnh ghép gan từ người hiến sống bằng phẫu thuật nội soi; Thực hiện cắt toàn bộ gan người nhận bằng kỹ thuật nội soi tiến tới triển khai kỹ thuật ghép gan bằng phẫu thuật nội soi; Đẩy mạnh ghép bất đồng nhóm máu để tăng nguồn hiến gan;…

Bệnh viện tiếp tục đào tạo, chuyển giao kỹ thuật ghép gan cho các bệnh viện trong nước như: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Quân y 103. Sau ký kết đào tạo, chuyển giao kỹ thuật ghép gan năm 2021 cho Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã đào tạo, chuyển giao kỹ thuật; tư vấn về công tác điều phối và chuẩn bị cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao,…

Mục tiêu của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 về phát triển ghép mô bộ phận cơ thể người đến năm 2025 là hoàn thiện cơ sở hạ tầng ghép mô, bộ phận cơ thể người đồng bộ; tập trung nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người tiên tiến hiện đại; phấn đấu trở thành trung tâm ghép mô, bộ phận cơ thể người ngang tầm với các quốc gia có nền y học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục