Bố tin lời thầy lang chữa bỏng, con trai có nguy cơ mất vận động tay

Linh Chi, icon
08:00 ngày 25/07/2019

VTV.vn - Với quảng cáo đắp lá 8 ngày là hết bỏng của thầy lang, người bố này đã cho con trai "điều trị" suốt 22 ngày vẫn không khỏi, tình trạng nhiễm trùng ngày càng nặng.

Bé trai Đ.T.D. (6 tuổi, trú tại Thanh Hà, Hải Dương) được đưa đến bệnh viện trong tình trạng cẳng tay trái có vết thương chảy nhiều mủ vàng lẫn máu loãng, khuỷu tay phải bị hạn chế vận động nhiều. Đây là hậu quả của việc bé bị bỏng nước sôi toàn bộ cẳng tay và cánh tay 1 tháng trước.

Theo chia sẻ của người bố, ông đã nghe theo mách bảo chữa bỏng bằng bó lá ở gần nhà. Bà lang cho một loại bột màu đen không rõ thành phần nguồn gốc với đảm bảo là bôi 8 ngày sẽ khỏi. Thế nhưng, bé đắp lá đến ngày thứ 22 vẫn không khỏi.

Bố tin lời thầy lang chữa bỏng, con trai có nguy cơ mất vận động tay - Ảnh 1.

Sau gần 1 tháng bé bị bỏng, gia đình mới đưa vào bệnh viện để khám, do tình trạng vết thương nhiễm trùng nặng. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán: bé bị nhiễm khuẩn vết thương bỏng mức độ nặng kèm theo các cử động sấp ngửa, gấp duỗi cẳng bàn tay phải bị hạn chế 80 - 90%. Bé phải chuyển lên bệnh Viện Bỏng quốc gia để điều trị chuyên sâu hơn.

Theo các bác sĩ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng của bé là do chữa trị không đúng phương pháp. Không có thuốc lá nào đắp lên da có tác dụng chữa bỏng. Quá trình tái tạo da diễn ra tự động trong cơ thể, chỉ cần thay băng vô khuẩn và chống bội nhiễm tốt các vết thương bỏng do nước sôi (độ 1 và 2) da sẽ tự tái tạo sau 10 - 14 ngày.

Do đó, nguyên tắc điều trị của cả đông y lẫn tây y trong điều trị bỏng do nước sôi đều là thay băng tốt và chống bội nhiễm. Tuy nhiên, vẫn có thầy lang vườn chữa theo kiểu bất chấp, khoa trương quảng cáo rằng có thuốc gia truyền đặc trị bỏng "khỏi sau 5 - 7 ngày và không để lại sẹo" mà không cần biết bỏng do nguyên nhân gì, nông hay sâu, mức độ nặng hay nhẹ.

Những ca bỏng chữa trong dân gian thường là những ca nhẹ có tính chất may rủi, có ca khỏi, ca không. Các ca khỏi thường là các ca nhẹ mà không cần đắp gì cũng có thể tự khỏi, nhưng các thầy lang lại áp dụng cùng một phương pháp cho tất cả các bệnh nhân và không lường trước được hậu quả.

Bỏng là một tai nạn thường gặp trong đời sống hàng ngày, Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm trên thế giới, tai nạn bỏng chiếm vị trí hàng đầu trong những loại tai nạn xảy ra tại nhà, đặc biệt là bỏng do nước sôi.

Việc chẩn đoán chính xác độ nông sâu của bỏng ảnh hưởng trực tiếp đến hướng điều trị. 80% tổng số bệnh nhân bỏng là bỏng nông trên diện hẹp (độ 1,2). Đối với loại bỏng này điều trị rất đơn giản, sau khi có đánh giá, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân nghỉ ngơi, giảm đau và chống bội nhiễm. Nhưng vẫn còn nhiều trường hợp, do không gây chết người ngay nên một số người dân không đến các cơ sở y tế có chuyên môn mà đi tìm các thầy "lang" để chữa bằng cách đắp lá.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục