Cách phòng tránh hóc dị vật đối với trẻ dưới 4 tuổi

VTV2, icon
06:00 ngày 28/03/2016

VTV.vn - Dưới đây là những hướng dẫn cần thiết để phòng tránh hóc dị vật cho trẻ mà các bậc cha mẹ nên biết.

Theo thống kê của bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, hóc dị vật đường thở gặp ở trẻ dưới 4 tuổi chiếm tỷ lệ tới 90%. Các trường hợp trẻ bị hóc dị vật thường do sự bất cẩn của người lớn, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể sẽ gây tử vong cho trẻ nhỏ.

PGS.TS. Tống Xuân Thắng - Phó Trưởng khoa Ung bướu, bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, giảng viên trường Đại học Y Hà Nội - cho biết: "Hóc dị vật đường thở chủ yếu xảy ra ở trẻ em từ 2 - 4 tuổi. Có nhiều dị vật gây hóc với nguồn gốc khác nhau (đồ chơi nhỏ, xương cá, vỏ tôm, kim băng…) nhưng dị vật vào phổi nhiều nhất là các loại hạt.

Có nhiều sai lầm trong xử trí cấp cứu dị vật đường thở như: móc tay vào trong họng để lấy dị vật; cho trẻ ăn thêm rau, uống nước… để thức ăn tự trôi; không đưa trẻ đi khám sau khi trẻ dứt cơn ho sặc sụa, tím tái, làm cho dị vật nằm lâu trong phổi; áp dụng chữa mẹo.

Khi trẻ đang ăn uống, chơi đùa mà bị ho sặc sụa, mặt tím tái, khó thở, cần nghĩ ngay đến việc trẻ bị hóc dị vật vào đường thở và thực hiện ngay những xử trí kịp thời tại chỗ cũng như đưa trẻ đi cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất.

Để có thể phòng ngừa hóc dị vật cho trẻ, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến việc chọn lựa thức ăn, đồ chơi phù hợp cho trẻ; không cho trẻ ăn, uống khi đang chạy nhảy, cười đùa, khóc hay đang ngủ; cho trẻ ăn từ từ từng muỗng nhỏ, không la mắng, bắt ép trẻ ăn nhanh, ăn nhiều; chế biến đồ ăn để trẻ có thể nhai, nuốt dễ dàng. Khi trẻ bú, nên bế trẻ cao đầu hơn chân để tránh bị sặc. Đối với trái cây có hạt, cần bỏ hết hạt trước khi cho trẻ ăn; cho trẻ uống nước, tuyệt đối không cho trẻ nằm sau khi ăn xong; tránh những vật, đồ chơi nhỏ trong tầm tay của trẻ”.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục