Cách sơ cứu dị vật đường thở trước khi đến cơ sở y tế

Ban Thời sự, icon
06:00 ngày 23/03/2016

VTV.vn - BS. Lương Quốc Chính (khoa Cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai) đã hướng dẫn những phương pháp sơ cứu dị vật đường thở trước khi đến cơ sở y tế, đảm bảo tính mạng cho người bệnh.

Suy hô hấp do dị vật đường thở là tình huống rất nguy hiểm, đặc biệt với trẻ nhỏ. Do đó, việc biết cách sơ cứu từ đầu trước khi đưa đến cơ sở y tế là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe và tính mạng của người bị nạn.

Theo BS. Lương Quốc Chính (khoa Cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai), đối với bệnh nhân bị tắc nghẽn đường thở không hoàn toàn (còn tỉnh, có thể khóc, ho và nói được), tuyệt đối không được móc họng nạn nhân để tìm và lấy dị vật; không được sử dụng các liệu pháp ấn bụng, vỗ lưng, vỗ ngực để tống dị vật ra ngoài. Người xung quanh cần trấn an giúp người bệnh bình tĩnh, khuyên thở chậm giúp khí vào phổi đều, khuyến khích nạn nhân ho để giúp tống dị vật ra ngoài.

Trong trường hợp bệnh nhân còn tỉnh nhưng không thể ho, khóc hoặc nói được, hai tay ôm cổ, mặt đỏ bừng hoặc tím tái, cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp để tống dị vật ra ngoài như ấn bụng, vỗ lưng, ấn ngực, đặc biệt không được móc họng người bệnh.

Đối với bệnh nhân tắc nghẽn đường thở hoàn toàn (bất tỉnh, lồng ngực không phồng lên khi thổi ngạt), cần tiến hành ngay việc móc họng đưa dị vật ra ngoài và hồi sinh tim - phổi. Nếu bệnh nhân ngưng tuần hoàn, bất tỉnh, ngực có phồng lên khi thổi ngạt (khí vẫn vào được phổi), cần tiến hành hồi sinh tim - phổi như bình thường.

Trong các bước sơ cứu nói trên, việc gọi người tới hỗ trợ là rất quan trọng và cần thiết.

Cùng chuyên mục