Cảnh báo nguy cơ rắn độc cắn trong mùa mưa

P.V, icon
06:00 ngày 12/08/2022

VTV.vn - Trung tâm y tế huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) vừa tiếp nhận 2 ca bị rắn cắn, nguyên nhân đều do trong quá trình sinh hoạt hoặc lao động sản xuất vô tình đụng chạm phải rắn.

Một bệnh nhân bị rắn cắn. Ảnh: BVCC

Ca bệnh thứ nhất là nam giới, 45 tuổi, trong khi lấy măng ở vườn đã bị rắn cắn vào cẳng chân phải (không rõ loại rắn). Sau bị cắn, bệnh nhân có cảm giác đau nhức, được người nhà nhanh chóng đưa đi nhập viện.

Ca bệnh thứ 2 là nữ giới, 40 tuổi, trong lúc đi rừng về, đã bị rắn lục cắn vào ngón chân. Sau khi bị cắn, bệnh nhân đau, bầm tím tại ngón chân và cũng nhanh chóng được nhập viện.

Cả 2 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tinh thần hốt hoảng, đau nhiều vùng vết thương, trầy xước và thâm tím tại vết cắn.

Sau khi được các bác sĩ thăm khám và điều trị tích cực, hiện tại cả 2 bệnh nhân đã ổn định, đang được theo dõi sát toàn trạng.

Cảnh báo nguy cơ rắn độc cắn trong mùa mưa - Ảnh 1.

Bệnh nhân bị rắn cắn vào ngón chân. Ảnh: BVCC

Trong mấy năm trở lại đây, rất nhiều bệnh nhân bị rắn độc cắn, nhập viện tại Trung tâm y tế huyện Bình Liêu và có nhiều ca bệnh nặng phải chuyển tuyến trên điều trị.

Bác sĩ La Ngọc Hiếu, Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức - Cấp cứu và Chống độc khuyến cáo: Tai nạn rắn cắn hay gặp vào mùa hè (mùa mưa) do rắn hay ra khỏi nơi trú ngụ để đi kiếm ăn, hoặc do chỗ ở của rắn bị ngập nước.

Khi bị rắn cắn, không để nạn nhân tự đi lại, rửa vết thương bằng nước sạch hoặc xà phòng, bất động chân tay bên bị cắn, băng ép nhẹ vùng tổn thương, nhanh chóng vận chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế có khả năng hồi sức tích cực.

Không chích rạch vết thương, không băng ép chặt (ga rô) đoạn chi bị rắn cắn, không đắp lá. Cố gắng chụp lại hình ảnh của rắn hoặc nhớ hình dạng của rắn, cung cấp cho thầy thuốc để nhanh chóng xác định được loại rắn.

Để phòng ngừa rắn cắn, người dân cần đi ủng, đi giày cao cổ, mặc quần dài khi đi vào vùng bụi rậm hoặc trong đêm tối. Không đến gần các nơi rắn hay cư trú như các đống gạch vụn, đống đổ nát, đống rác, nơi nuôi các động vật của gia đình. Khi phải đi qua bụi rậm, rừng cây, cần sử dụng que, gậy đánh động ở những nơi mình sắp đi qua để xua đuổi rắn.

Bị rắn độc cắn nguy hiểm đến tính mạng và tổn hại sức khỏe về lâu dài nếu không điều trị kịp thời. Vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác, thường xuyên phát quang bụi rậm, hạn chế đi lại vào ban đêm ở những vùng đồi núi, nơi ẩm thấp, nhất là thời điểm sau khi mưa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục