Cảnh báo nhiễm ấu trùng sán lợn

Linh Chi, icon
07:31 ngày 27/12/2018

VTV.vn - 8 trường hợp dương tính với ấu trùng sán lợn đều thuộc huyện Tân Sơn (Phú Thọ).

Quá trình nghiên cứu mô hình phòng chống bệnh sán dây/ấu trùng sán lợn tại cộng đồng nhằm nâng cao sức khỏe người dân tại một số điểm nguy cơ trên địa bàn 3 tỉnh: Hòa Bình, Thanh Hóa và Phú Thọ, kết quả xét nghiệm huyết thanh đã phát hiện 18 trường hợp dương tính với ấu trùng sán lợn. Trong đó, tỉnh Phú Thọ có 8 trường hợp đều thuộc huyện Tân Sơn.

Theo bác sĩ Đỗ Văn Hùng, Trưởng Khoa Ký sinh trùng Côn trùng - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ, 8 ca dương tính với ấu trùng sán lợn chủ yếu ở lứa tuổi trưởng thành, người trẻ nhất là 22 tuổi, cao tuổi nhất là 67 tuổi, tại 2 xã Minh Đài, Văn Luông thuộc huyện Tân Sơn.

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm ấu trùng sán lợn là ăn nem chua, thịt lợn tái, tiết canh… ở những con lợn mắc bệnh. Tuy nhiên, ngay cả khi không ăn những thực phẩm này cũng mắc bệnh nếu ăn phải thức ăn, nước uống không nấu chín, đun sôi có nhiễm trứng sán dây/ấu trùng sán lợn; hoặc tay có trứng sán dây/ấu trùng sán lợn cầm nắm thức ăn sau khi dùng phân chưa qua xử lý để canh tác, không rửa tay chân sạch sẽ đưa lên miệng thì vẫn có thể mắc bệnh.

Khi trứng sán vào đường tiêu hóa sẽ nở thành ấu trùng dưới tác dụng của dịch dạ dày di chuyển xuống ruột non. Ấu trùng chui qua thành ruột vào máu theo vòng tuần hoàn rồi tới cư trú ở bất kỳ các cơ quan nào trong cơ thể và sẽ hóa nang.

Cũng theo bác sĩ Đỗ Văn Hùng, triệu chứng của bệnh ấu trùng sán lợn trong não tùy thuộc vào số lượng, vị trí và giai đoạn tiến triển của nang sán. Dấu hiệu thường gặp là: đau đầu (có thể đau dữ dội), chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ, trí nhớ giảm sút, liệt tay hoặc chân, lên cơn động kinh... nên cần đi khám ngay vì có thể ấu trùng sán đã cư trú vào trong não.

Những dấu hiệu của bệnh ấu trùng sán lợn dễ bị chẩn đoán nhầm là bệnh thần kinh hoặc tai biến mạch máu não nên cần chụp X-quang, cắt lớp CTScanner hoặc cộng hưởng từ. Nếu ấu trùng sán lợn khu trú trong mắt có các triệu chứng: mắt mờ, bong võng mạc, tăng nhãn áp. Ở trong cơ hoặc dưới da xuất hiện các u nhỏ bằng hạt lạc. Trường hợp ấu trùng đến dạ dày thoát nang bám dính vào ruột non phát triển thành sán trưởng thành trong đường ruột.

Điều trị ấu trùng sán dây/ấu trùng sán lợn trong não, trong cơ, dưới da thường mất 2 - 5 đợt, khoảng 15 - 20 ngày mỗi đợt và mỗi đợt cách nhau 10 - 20 ngày. Nếu được phát hiện sớm người bệnh sẽ khỏi hẳn các triệu chứng do ấu trùng sán gây ra, tuy nhiên một số trường hợp có thể để lại hiện tượng các nốt vôi hóa trong não. Bệnh nguy hiểm ở chỗ, một khi đã xâm nhập vào cơ thể, những ấu trùng này phát triển nhanh và gây nhiều biến chứng cho người bệnh.

Để phòng chống bệnh, bác sĩ Đỗ Văn Hùng khuyến cáo: người dân không ăn thực phẩm sống, tái dưới hình thức chế biến thành nem chua, thịt chua, tiết canh hoặc rau sống (nhất là rau thủy sinh); không nuôi lợn thả rông; rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; vệ sinh môi trường sạch sẽ, quản lý tốt nguồn phân lợn, bò trong sản xuất và nuôi trồng; quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh các lò giết mổ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục