Cảnh báo tình trạng rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy

Mỹ Hạnh, icon
06:15 ngày 07/12/2023

VTV.vn - Lạm dụng chất gây nghiện khiến cho sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng trầm trọng, thậm chí là bị rối loạn tâm thần.

Một trường hợp bị rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk.

Vốn là một người hiền lành, chỉ chăm chỉ làm ăn, nhưng chỉ một lần nghe theo lời dụ dỗ của bạn bè, bệnh nhân T. (sinh năm 1996, trú tại thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) đã trượt dài trong "vũng lầy" của ma túy.

Do sử dụng ma túy quá nhiều khiến đầu óc bệnh nhân lúc nào cũng căng thẳng, dễ bị kích động, hoang tưởng, ảo giác, không làm chủ được bản thân, có những hành động tiêu cực, như đập phá đồ đạc, đuổi đánh người, gây mất an ninh trật tự... Gia đình đã nhiều lần khuyên bảo nhưng bệnh nhân không từ bỏ được ma túy nên đưa vào Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk để điều trị.

Còn bệnh nhân H.N.L. (sinh năm 1995, trú tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) nghiện ma túy đã 3 năm nay. Thời gian gần đây, bệnh nhân thường xuyên mất ngủ, người cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu lúc nào cũng nghĩ có người đuổi đánh, dọa giết.

Lần đầu, gia đình đưa bệnh nhân vào viện điều trị 17 ngày, thấy tinh thần ổn định, các bác sĩ đã cho xuất viện về nhà. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, bệnh nhân phát bệnh trở lại, gia đình phải đưa vào viện để tiếp tục điều trị.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Luyến, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến ngày 5/12/2023, bệnh viện tiếp nhận trên 200 lượt bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy đến khám và điều trị. Đa phần bệnh nhân ở độ tuổi từ 20-32, có trường hợp mới 16 tuổi cũng đã sử dụng ma túy phải nhập viện điều trị.

Cũng theo bác sĩ Luyến, loại ma túy mà các bệnh nhân hay sử dụng là ma túy dạng thuốc phiện, chất kích thần và cần sa, nhưng phần lớn là dạng chất kích thần và cần sa. Hậu quả của việc sử dụng kích thần và cần sa ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người sử dụng, như ảnh hưởng về đường tiêu hóa, hệ hô hấp, hệ tim mạch và hệ thần kinh...

Đối với đường tiêu hóa, bệnh nhân sẽ thường xuyên bị chán ăn, đau bụng, buồn nôn, đôi khi rối loạn tiêu hóa, đi cầu phân lỏng hoặc táo bón. Ảnh hưởng đến hệ hô hấp, mới đầu bệnh nhân có biểu hiện tăng tần số hô hấp, bị kích thích hô hấp, sau đó bệnh nhân sẽ suy hô hấp, nặng hơn là ngộ độc, ngừng thở và có thể tử vong. Ảnh hưởng đến hệ tim mạch: bệnh nhân bị ảnh hưởng trực tiếp, bị ức chế làm co thắt động mạch vành, đau thắt ngực, khó thở, bệnh nhân sẽ nhồi máu cơ tim, có thể bị tăng huyết áp.

Đối với hệ thần kinh, khi ma túy vào cơ thể sẽ tác động trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương, ảnh hưởng đến bán cầu não và bệnh nhân có biểu hiện nặng như ngộ độc về thần kinh, mất trí nhớ, giảm trí nhớ, viêm dây thần kinh và một số triệu chứng nặng nề, chẳng hạn như bệnh nhân sẽ hôn mê, mất ý thức...

Ngoài ra, sử dụng ma túy còn ảnh hưởng đến hệ sinh dục. Đa số người sử dụng ma túy cho rằng sẽ tăng hoạt động tình dục nếu sử dụng ma túy, tuy nhiên đó là quan niệm sai lầm. Bởi ngay lần đầu tiên sử dụng ma túy, chỉ vài phút đầu sử dụng có thể tăng hoạt động tình dục nhưng sau đó để lại di chứng là giảm khả năng hoạt động tình dục rất lâu cho dù sau đó đã ngưng sử dụng ma túy nhiều năm.

Bác sĩ Luyến cho biết: Tùy vào mức độ sử dụng ma túy mà mỗi bệnh nhân có những rối loạn tâm thần và ảo giác khác nhau. Thời gian qua, số bệnh nhân nhập viện do sử dụng ma túy kích thần là chủ yếu và có những rối loạn như: rối loạn cảm xúc, rối loạn tư duy, rối loạn hành vi và rối loạn giác quan. Với những rối loạn này, bệnh nhân thường nói nhảm, lúc cười, lúc khóc; có những hành động nguy hiểm đối với những người xung quanh, như: chửi tục, đập phá đồ đạc, đánh, chém người hoặc gây mất an ninh trật tự. Chính những rối loạn đó khiến bệnh nhân có những hành vi gây nguy hiểm cho chính bản thân họ và những người xung quanh.

Tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk, bệnh nhân vào viện tái điều trị rất cao. Nguyên nhân chính là sau khi xuất viện, bệnh nhân thường không được quản lý chặt chẽ, tái nghiện ma túy và đặc biệt không tuân thủ phác đồ điều trị của các y, bác sĩ.

Để không tái phát bệnh rối loạn tâm thần và hành vi, điều quan trọng nhất là người nhà phải quản lý bệnh nhân chặt chẽ, tách người nghiện ra khỏi môi trường có thể mua, tiếp cận với ma túy, đặc biệt tách họ khỏi bạn bè có thể rủ rê dùng ma túy. Nếu bệnh nhân sử dụng lại thì bệnh sẽ nhanh chóng tái phát và hậu quả lần sau sẽ khó lường và nguy hiểm hơn lần trước rất nhiều, bệnh nhân sẽ bị sa sút về trí tuệ.

Một thực trạng đáng lo ngại hiện nay là có nhiều thanh, thiếu niên do thiếu sự quan tâm của gia đình, cộng với ảnh hưởng của phim ảnh, mạng xã hội hoặc bị bạn bè lôi kéo đã dễ dàng sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Để ngăn ngừa hiểm họa do ma túy và các chất gây nghiện gây ra, các bậc phụ huynh cần chú ý, quản lý sát sao sinh hoạt hằng ngày của con em mình.

Khi thấy con em mình có những biểu hiện bất thường, nên phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, ngăn chặn hành vi sử dụng ma túy, đồng thời đưa con em đến trung tâm giáo dục cộng đồng, trường hợp nặng cần nhập viện điều trị. Việc điều trị sẽ bớt khó khăn và ít tốn kém hơn rất nhiều khi các rối loạn tâm thần được phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời, tránh để xảy ra những hệ lụy đáng tiếc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục