Cảnh giác với những bệnh thường gặp trong và sau Tết

Bác sĩ Hồ Thị Hồng (CDC Đồng Nai), icon
06:00 ngày 09/02/2024

VTV.vn - Lịch sinh hoạt thay đổi cùng với những bữa tiệc dày đặc trong dịp Tết có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe.

Hình minh hoạ.

Ngày Tết, các gia đình thường chuẩn bị các mâm cỗ để cúng tất niên, cúng giao thừa, cúng đưa rước ông bà… sau khi cúng xong thì gia đình sẽ quây quần bên mâm cỗ. Chưa kể, còn có các bữa liên hoan tất niên cuối năm, mừng thọ, gặp mặt đầu năm… cứ thế liên tục diễn ra ngày này qua ngày khác trong dịp tết, các bữa ăn có thể diễn ra bất kể khi nào, làm đảo lộn giờ giấc ăn uống thường ngày, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Hơn nữa, việc các món ăn thường không được ăn ngay sau khi chế biến, nấu nướng, do còn phải bày cúng tổ tiên, hoặc chờ đợi khách mời, người thân đến; một số món ăn dùng một bữa không hết, được đun đi nấu lại nhiều lần cho những bữa sau; hay thói quen mua nhiều đồ ăn tích trữ dịp tết, nhưng lại tích trữ không đúng cách… sẽ dẫn tới nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất cao.

Bên cạnh đó, đặc điểm chung của các mâm cỗ ngày tết thường là có rất nhiều chất đạm (từ thịt, cá…), nhiều chất béo (các món ăn chiên, xào), nhiều đường (các loại mứt, bánh kẹo, nước ngọt), một số món ăn có nhiều muối (như các loại dưa, hành muối) trong khi đó rau củ quả lại ít và ít khi thiếu vắng ở các mâm cỗ ngày tết đó là rượu, bia… đây chính là những thủ phạm cho việc tăng cân, bùng phát đợt cấp của người bệnh mạn tính.

Chính những nguy cơ về sức khỏe trên có thể dẫn tới một số bệnh thường gặp trong và sau Tết như sau:

Ngộ độc thực phẩm: Với triệu chứng nôn, tiêu chảy, đau bụng, có thể có sốt hoặc không.

Viêm dạ dày ruột: Với một số triệu chứng điển hình như nôn, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, ợ hơi, ợ chua.

Viêm gan và gan nhiễm mỡ: Đặc biệt là viêm gan do rượu, đây là căn bệnh thường gặp do sử dụng nhiều rượu bia dịp Tết, lâu ngày có thể phát triển thành viêm gan mạn tính hoặc xơ gan. Viêm gan do rượu thường có các triệu chứng như: chán ăn, nôn, đau bụng, sốt, vàng da,…

Cảm cúm và bệnh đường hô hấp khác: Việc tiếp xúc, ăn uống chung dễ có nguy cơ lây truyền cảm cúm và các bệnh đường hô hấp khác với các triệu chứng như ho, sổ mũi, đau họng, sốt, có thể sốt cao,... Đặc biệt, trẻ nhỏ tiếp xúc với người lớn bị cảm có thể phát triển thành viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi.

Các bệnh về dị ứng như: Dị ứng thức ăn (triệu chứng: sưng, ngứa họng, miệng, ngứa da,…), viêm da dị ứng (triệu chứng: ngứa, sưng, đỏ da,…) cũng có thể gặp dịp Tết do chế độ ăn uống thay đổi, ăn phải thức ăn có thành phần gây dị ứng; đi chơi, đi chúc Tết, tiếp xúc với nhiều tác nhân lạ,…

Đợt cấp của các bệnh mạn tính: như tăng huyết áp, đái tháo đường, gút,…đây là các bệnh mạn tính điển hình thuộc nhóm bệnh do rối loạn chuyển hóa bởi vậy chịu nhiều sự ảnh hưởng từ chế độ ăn uống, sinh hoạt và đặc biệt cần sự tuân thủ trong điều trị. Do đó, sau dịp Tết, người bệnh rất dễ gặp các biến chứng, đợt cấp của các bệnh mạn tính này.

Ngoài ra, các bệnh lưu hành quanh năm trên địa bàn tỉnh cũng tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịp tết như sốt xuất huyết, tay chân miệng, dại,…

Để vui Tết an lành, mọi điều yên vui thì người dân cần nâng cao cảnh giác với các bệnh thường gặp trên. Chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; giữ vệ sinh cá nhân; chế độ ăn cân đối các chất dinh dưỡng; ăn uống, nghỉ ngơi điều độ; hạn chế rượu bia,…

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào kể trên cũng như có bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác về sức khỏe, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục