Cấp cứu kịp thời bé sơ sinh bị sặc sữa

P.V, icon
10:13 ngày 05/09/2023

VTV.vn - Đây là trường hợp bé sơ sinh 24 ngày tuổi vừa được Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận điều trị.

Hình minh họa.

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa tiếp nhận bé gái P.T.N. (24 ngày tuổi, trú tại xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) trong tình trạng suy hô hấp, viêm phổi nặng, sặc sữa.

Theo mẹ bé kể lại, cách vào viện 3 ngày, bé xuất hiện ho khan chưa điều trị gì. Sáng ngày nhập viện, sau bú 3 - 4 phút, bé tím tái, ho, khó thở, sữa trào ra miệng, mũi gia đình đã hút sạch mũi, miệng nhưng bé vẫn còn tím môi, khó thở nên gia đình nhanh chóng cho nhập viện.

Theo TS.BSNT Trần Văn Cương, Phó Giám đốc bệnh viện, Trưởng Khoa Cấp cứu, sặc sữa là một trong những tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ. Đặc biệt, trẻ sơ sinh non tháng nên phản xạ bú - nuốt kém hay trẻ bị dị tật bẩm sinh vùng hầu họng như sứt môi, hở hàm ếch… thì thường xuyên có nguy cơ sặc sữa. Trẻ nhập viện thường trong tình trạng khó thở, tím tái và nguy hiểm hơn là có thể ngừng thở, ngừng tim. Nếu không sơ cứu kịp thời có thể gây ảnh hưởng tính mạng hoặc để lại di chứng lâu dài cho trẻ.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị sặc sữa thường xảy ra khi trẻ đang bú (hoặc sau bú) đột ngột ho sặc sụa, tím tái, khóc thét. Sữa trào ra mũi, miệng của trẻ, trẻ kích thích, da xanh tái, có thể co cứng hoặc mềm nhũn, ngừng thở lúc này bà mẹ nên nghĩ ngay đến trẻ bị sặc sữa.

Nguyên nhân gây thường gặp ở trẻ do trẻ bú không đúng tư thế, bú quá no, bú khi đang khóc, đang ho, đang ngủ hoặc sữa mẹ nhiều khiến trẻ nuốt không kịp. Với trẻ bú bình có thể do núm vú cao su có lỗ thông quá rộng khiến sữa chảy nhiều hoặc trẻ đẻ non, trẻ dị tật vùng hầu họng ...

Đứng trước sự nguy hiểm khi trẻ bị sặc sữa nên bà mẹ hoặc người chăm sóc trẻ nên sơ cứu đúng cách theo các bước sau đây:

- Nếu trẻ còn hồng hào: ho nhiều là trẻ bị sặc ít và tự có phản xạ để tống sữa sặc ra ngoài. Chúng ta, đỡ trẻ ngồi dậy, lau sạch sữa ở mũi và miệng của trẻ. Sau khi cơn ho dịu đi, vẫn tiếp tục nghe thấy thở rít thì hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay lập tức.

- Nếu trẻ xuất hiện tím tái, khó thở: nhanh chóng gọi cấp cứu, tiến hành sơ cứu

Khai thông đường thở: hút sạch mũi, miệng trẻ càng nhanh càng tốt.

Thực hiện thủ thuật vỗ lưng, vỗ ngực: đặt trẻ nằm sấp trên lòng bàn tay và cánh tay phải (tay thuận), dùng gót bàn tay còn lại vỗ mạnh và nhanh 5 cái vào lưng trẻ (giữa hai xương bả vai) để tống xuất sữa ra khỏi đường hô hấp. Nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái thì lật trẻ nằm ngửa, dùng hai ngón tay trỏ và giữa ấn mạnh 5 cái ở nửa dưới của xương ức. Lặp lại đến 5 - 6 lần cho đến khi trẻ có dấu hiệu hồi phục.

- Nếu trẻ ngưng thở: Gọi cấp cứu ngay. Bắt đầu hồi sức tim phổi (hà hơi thổi ngạt và ấn tim ngoài lồng ngực) tỉ lệ 2 lần thổi ngạt và 15 lần ép tim đến khi cấp cứu đến.

Vì vậy, để phòng tránh sặc sữa chúng ta nên thực hiện:

Khi cho bú nên bế trẻ đúng tư thế, bú từ từ, không ép trẻ bú nhất là trẻ còn yếu, sinh non tháng.

Khi trẻ ho hoặc khóc phải ngừng cho trẻ bú ngay, sữa còn trong miệng thì phải dừng cho bú, để trẻ nuốt hết sữa ở trong miệng. Nếu thấy sữa mẹ chảy xuống quá nhiều mà trẻ chưa kịp nuốt, người mẹ có thể dùng hai ngón tay kẹp bớt đầu vú lại ngăn bớt sữa xuống.

Với những trẻ bú bình, cần chú ý đầu núm vú không quá rộng, nghiêng bình sữa khoảng 45 độ để sữa ngập lỗ thông khi bú để tránh nuốt nhiều khí, dẫn đến nôn sau bữa bú. Sau khi bú xong nên bế trẻ nằm sấp trên vai hoặc ngực mẹ khoảng 20-30 phút, vỗ lưng nhẹ để trẻ ợ hơi từ trong dạ dày, tránh đầy hơi sẽ kích thích gây sặc sữa.

Khi dùng thìa bón sữa vào miệng trẻ, mẹ nên đổ từ từ, trẻ nuốt hết mới tiếp tục bón thìa khác.

Chính vì tính nghiêm trọng của tai nạn sặc sữa, chúng ta cần có thái độ đúng và biết cách sơ cứu cũng như phương pháp cho trẻ bú để hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn. Khi trẻ bị sặc sữa, chúng ta cũng không nên chủ quan mà nên đưa trẻ đến bệnh viện để được khám, theo dõi và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục