Theo chia sẻ của BSCKII. Phan Huỳnh Bảo Bình và TS.BS Huỳnh Tấn Tiến - Trường Đại Học Quốc Tế Hồng Bàng, tháng 11 là thời điểm thời tiết thay đổi thất thường, khu vực phía Nam mưa nắng bất chợt, khí trời se lạnh vào buổi sáng sớm, trong khi phía Bắc bắt đầu xuất hiện những đợt gió lạnh kèm theo tiết trời hanh khô. Đây là điều kiện thuận lợi để virus gây ra các bệnh viêm đường hô hấp như: cảm, cúm, Adenovirus, viêm mũi dị ứng, sởi, COVID-19... phát triển, lây lan, gây các bệnh nhiễm trùng cấp tính hoặc làm trở nặng các bệnh lý mạn tính...
Bệnh cúm
Các đợt bùng phát dịch bệnh theo mùa do cả virus cúm A và B gây ra. Hầu hết các đợt bùng phát dịch cúm theo mùa hiện nay là do cúm A (H3N2) gây ra. Các virus cúm B có thể gây bệnh nhẹ hơn nhưng thường gây ra các đợt bùng phát dịch với bệnh lý ở mức độ vừa. Sự lan truyền qua đường không khí là cơ chế quan trọng nhất trong việc phát triển thành dịch. Các virus cúm có thể lây lan theo các dịch tiết hô hấp do người bệnh phát tán ra không khí khi họ ho, hắt hơi, nói chuyện. Virus sẽ xâm nhập vào đường hô hấp khi chúng ta tiếp xúc trực tiếp với các giọt bắn trong không khí hoặc tiếp xúc gián tiếp với các vật dụng bị nhiễm virus qua bàn tay chưa rửa sạch.
Thời kỳ ủ bệnh đối với cúm từ 1 đến 4 ngày với thời gian trung bình khoảng 48 giờ. Trong những trường hợp nhẹ, nhiều triệu chứng giống như cảm lạnh thông thường (ví dụ: đau họng, chảy nước mũi); viêm kết mạc nhẹ cũng có thể xảy ra.
Cúm điển hình ở người lớn được đặc trưng bởi khởi phát đột ngột ớn lạnh, sốt, ho và đau nhức toàn thân (đặc biệt là ở lưng và chân). Nhức đầu là triệu chứng nổi bật, thường bị sợ ánh sáng và đau nhức sau mắt. Các triệu chứng hô hấp ban đầu có thể nhẹ, với họng khô và đau, nóng rát dưới xương ức, ho khan và đôi khi là sổ mũi. Sau đó, bệnh ở đường hô hấp dưới trở nên nổi bật; ho có thể dai dẳng, dữ dội và có đờm.
Ngoài ra, cúm có thể có các triệu chứng đường tiêu hóa. Trẻ em có thể bị buồn nôn nhiều, nôn, hoặc đau bụng và trẻ sơ sinh có thể có hội chứng giống như nhiễm khuẩn huyết. Sau 2 đến 3 ngày, các triệu chứng cấp tính sẽ giảm nhanh, mặc dù sốt có thể kéo dài đến 5 ngày. Ho, đổ mồ hôi và mệt mỏi có thể kéo dài trong vài ngày, đôi khi vài tuần.
Viêm nhiễm đường hô hấp
Nhiễm trùng do virus thường ảnh hưởng đến đường hô hấp trên hoặc dưới. Nhiễm trùng đường hô hấp có thể được phân loại theo virus gây bệnh (ví dụ: cúm) và cũng được phân loại theo hội chứng của bệnh (ví dụ: cảm lạnh thông thường, viêm tiểu phế quản, viêm thanh quản, viêm phổi). Mức độ nghiêm trọng của viêm nhiễm đường hô hấp rất khác nhau. Bệnh nặng có nhiều khả năng xảy ra ở bệnh nhân lớn tuổi và trẻ sơ sinh.
Bệnh do Adenovirus
Nhóm Adenovirus thường lây nhiễm qua không khí giống như virus cúm. Nhiễm Adenovirus còn có thể từ nước (ví dụ: mắc phải trong khi bơi ở hồ hoặc ở bể bơi không có đủ Clo).
Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng xảy ra ở trẻ em với dấu hiệu sốt và các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên: viêm họng, viêm tai giữa, ho và viêm amidan xuất tiết có hạch cổ. Adenovirus típ 3 và 7 gây ra một hội chứng riêng biệt của viêm kết mạc, viêm họng và sốt (sốt kèm theo viêm kết mạc - viêm họng - hạch). Hội chứng Adenovirus hiếm gặp ở trẻ sơ sinh bao gồm nặng viêm tiểu phế quản và viêm phổi.
Bệnh hen phế quản
Thời điểm trẻ em quay trở lại trường học cũng là thời điểm mùa lây nhiễm virus vào cao điểm, đặc biệt nếu trẻ hen suyễn, thì bệnh có thể càng trầm trọng khi gặp thời điểm chuyển mùa. Theo các chuyên gia, thời điểm chuyển mùa từ Thu sang Đông là thời điểm tồi tệ nhất đối với trẻ em mắc bệnh hen suyễn, do trẻ phải tiếp xúc với nhiều loại virus bệnh đường hô hấp. Bệnh hen suyễn thường bùng phát vào những tháng cuối năm vì hai nguyên nhân chính: Nhiễm virus có tỷ lệ cao trong cộng đồng, đặc biệt trong vào mùa thu và mùa đông; Trẻ em trở lại trường học làm tăng khả năng lây nhiễm virus.
Trong suốt sự thay đổi của các mùa, trẻ hen suyễn có thể bị các dị ứng khác nhau, tùy thuộc vào thụ phấn và nở hoa của các loại hoa và cỏ khác nhau. Phản ứng dị ứng hoặc kết hợp với các yếu tố môi trường khác như virus, ô nhiễm trong nhà và ngoài trời... đều có thể khởi phát cơn hen suyễn.
Bệnh sởi
Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus sởi gây ra và là một trong các loại bệnh thường gặp vào thời điểm mùa thu. Bệnh sởi có các biểu hiện đặc trưng là sốt, phát ban, ho, mắt đỏ (viêm kết mạc mắt), chảy nước mũi; có thể dẫn đến những biến chứng nặng như: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm não... dễ dẫn đến tử vong.
Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh. Với trẻ mắc bệnh sởi, cha mẹ không nên kiêng nước, kiêng gió, kiêng ăn… Bởi khi trẻ không được ăn đủ chất sẽ khiến bệnh kéo dài; còn kiêng gió, kiêng nước khiến trẻ không đảm bảo vệ sinh làm tăng tỷ lệ viêm phổi và các bệnh viêm đường hô hấp khác.
Chăm sóc trẻ khi thời tiết giao mùa
Bệnh do nhiễm trùng gây ra, triệu chứng xuất hiện đầu tiên thường là sốt. Vì thế, ngay khi phát hiện ra các dấu hiệu, cần đưa trẻ đi khám để xác định xem hiện tượng nóng sốt ở trẻ là do loại bệnh lý nào để từ đó có biện pháp xử lý kịp thời.
Khi trẻ chảy nhiều nước mũi hay bị ngạt mũi, cha mẹ có thể lấy khăn giấy để làm thông thoáng mũi cho bé. Sau đó, nhỏ nước muối sinh lý loại dành cho trẻ em vào 2 bên mũi để làm loãng dịch mũi. Lấy dịch mũi ra bằng dụng cụ hút mũi, không được dùng miệng để hút mũi cho trẻ vì miệng người lớn có nhiều vi khuẩn gây hại cho bé. Cuối cùng, lấy tăm bông sạch để làm khô mũi cho trẻ. Khi làm bằng phương pháp này, nên lưu ý thực hiện trước khi cho bé ăn hoặc bú sữa giúp tránh cho bé bị nôn trớ khi ăn uống. Nên bế bé ở tư thế đứng song song với cơ thể mẹ hoặc đặt bé nằm cao đầu. Mặc dù nước muối sinh lý mang lại hiệu quả tốt, giúp mũi bé thông thoáng nhưng không nên lạm dùng nước muối sinh lý quá nhiều, dễ gây teo niêm mạc mũi.
Khi trẻ bị sốt từ 37 - 38,5 độ C, để hạ sốt nên cho trẻ nằm trong phòng mát, mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt. Đồng thời cho bé uống nhiều nước, ăn uống đầy đủ, lau mát cho bé ở các vùng trán, nách, bẹn bằng nước ấm. Thường xuyên đo nhiệt độ cơ thể cho bé để theo dõi xem trẻ giảm sốt hay nhiệt càng tăng.
Các biện pháp phòng bệnh lúc chuyển mùa cuối năm
Để tránh các bệnh viêm đường hô hấp trên và bảo vệ sức khỏe khi thời tiết chuyển mùa, cần lưu ý thực hiện các biện pháp phòng bệnh chung như:
1. Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine theo độ tuổi, Tuân thủ lịch tiêm nhắc cho trẻ, đặc biệt các loại vaccine có liên quan đến bệnh theo mùa như: cúm, phế cầu, sởi…
2. Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng.
3. Giữ môi trường sống xung quanh sạch sẽ, thoáng mát. Vệ sinh nhà cửa, các đồ vật thông dụng mà mọi người hay tiếp xúc
4. Hạn chế đến nơi đông người. Tránh tiếp xúc gần với những người bị bệnh
5. Ở nhà khi bị bệnh, sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc với người khác để tránh lây lan mầm bệnh cho những người xung quanh.
6. Đảm bảo giữ ấm cơ thể trong những đợt thời tiết chuyển mùa: tắm nước ấm, tắm trong phòng kín gió, tắm xong cần lau người thật nhanh và mặc quần áo ấm. Không để gió lùa vào phòng học, phòng ngủ và phòng trẻ chơi. Khi thời tiết lạnh cần mặc ấm cho trẻ ngay cả khi ở trong nhà và giữ ấm khi trẻ ngủ.
7. Nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đồng thời bổ sung nước thường xuyên. Ngoài nước lọc có thể uống sinh tố, nước ép hoa quả, sữa, ăn trái cây để bổ sung vitamin và khoáng chất.
Việc phòng bệnh lúc chuyển mùa vào cuối năm là vô cùng quan trọng trong cộng đồng và đối với từng người. Bằng các biện pháp hiệu quả sẽ phòng tránh các bệnh và dịch có thể xảy ra, nhất là các bệnh đường hô hấp, trong đó có COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
VTV.vn - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa điều trị cấp cứu kịp thời cho 1 trường hợp trẻ 4 tuổi bị nhiễm toan ceton đái tháo đường mức độ nặng.
VTV.vn - Trong 10 tháng đầu năm 2024, Khoa Nội Tiêu hóa - Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) tiếp nhận điều trị gần 120 ca viêm tụy cấp.
VTV.vn - Ngày 9/11, Bệnh viện Chợ Rẫy với sự đồng hành của Medtronic đã tổ chức chương trình Đào tạo Y khoa liên tục tại Đà Lạt nhằm nâng cao kiến thức tim mạch, cơ xương khớp.
VTV.vn - Tiến sĩ Amir Khan, một bác sĩ tại Anh, đã chia sẻ 5 vấn đề xuất hiện ở bàn chân có thể cảnh báo về sức khỏe.
VTV.vn - Bệnh viện E vừa tiếp nhận người bệnh nam (48 tuổi, Hà Nội) nhập viện do tai nạn giao thông, khi cấp cứu các bác sĩ phát hiện người bệnh bị đột quỵ não nguy hiểm.
VTV.vn - Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) vừa tiếp nhận điều trị cho một người bệnh bị dị ứng do thuốc nhuộm tóc.
VTV.vn - Đột nhiên mọc nhiều lông khắp toàn thân, bé H.Đ.H. (5 tuổi, Hà Nội) được đưa tới Phòng khám Đa khoa Medlatec Tây Hồ (Hà Nội) thăm khám phát hiện suy tuyến thượng thận.
VTV.vn - Bệnh nhân N.T.L. (77 tuổi), đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương vào tháng 5/2023 và được chẩn đoán có u tuyến vú trái nghi ngờ ác tính.
VTV.vn - Đau ống cổ tay là một trong những căn bệnh mà nhân viên văn phòng hay mắc phải vì ngồi quá lâu trước máy tính.
VTV.vn - Đái tháo đường là bệnh lý nguy hiểm với tỷ lệ tử vong đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau bệnh ung thư và tim mạch.
VTV.vn - Nữ bệnh nhân 52 tuổi bị liệt nửa người phải khi vệ sinh cá nhân vào buổi sáng; nam bệnh nhân 59 tuổi thì nói đớ, yếu nửa người trái sau khi tắm.
VTV.vn - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP Hồ Chí Minh) vừa tiếp nhận một trường hợp bé trai hơn 1 tuổi, ngụ tại Tây Ninh, trong tình trạng khó thở tím tái.
VTV.vn - UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch triển khai thí điểm thực hiện sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VneID trên địa bàn thành phố.
VTV.vn - Cùng với đó, có hơn một nửa người trưởng thành tại nước ta chưa bao giờ được làm xét nghiệm đường huyết để phát hiện bệnh đái tháo đường.
VTV.vn - Thời gian ăn tối không cố định với mỗi người vì tùy thuộc vào điều kiện gia đình, tính chất công việc. Tuy nhiên theo chuyên gia, có cách để xác định thời điểm lý tưởng.