Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân

Mỹ Hạnh (Sở Y tế Đắk Lắk), icon
06:00 ngày 18/01/2022

VTV.vn - Thời tiết mùa đông xuân rất thuận lợi cho các bệnh dịch truyền nhiễm phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa.

Thăm khám cho bệnh nhân cao tuổi. Ảnh: Quang Nhật

Theo bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk (CDC), để chủ động và kịp thời ngăn chặn các dịch bệnh mùa đông xuân, hạn chế tối đa những tác hại có thể xảy ra cho sức khỏe và tính mạng của người dân, bên cạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19, CDC đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh phát sinh và phát triển. Trong đó, chú trọng giám sát dịch tễ các địa bàn có ổ dịch cũ, vùng sâu, vùng xa nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch lan rộng và kéo dài trong cộng đồng.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine có trong chương trình tiêm chủng mở rộng; tổ chức rà soát, tiêm bổ sung cho các đối tượng chưa được tiêm phòng; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, hóa chất, phương tiện, nhân lực sẵn sàng phục vụ chống dịch. Hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe cũng được triển khai thực hiện nhiều hình thức phong phú, đa dạng để cung cấp kiến thức cho người dân, từ đó giúp họ nâng cao ý thức, tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Có thể thấy, so với các mùa khác trong năm thì mùa đông xuân bao giờ cũng xuất hiện nhiều loại dịch bệnh và có khả năng truyền nhiễm, nguy hiểm đối với tính mạng con người. Đặc biệt, ở người già và trẻ em, sức đề kháng giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh hô hấp, các bệnh viêm nhiễm mạn tính bùng phát. Riêng với trẻ em, trẻ càng nhỏ thì bệnh có diễn tiến càng nhanh nên việc điều trị thường mất thời gian, bệnh dễ tái phát và phức tạp hơn.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân - Ảnh 1.

Kiểm tra sức khỏe cho trẻ mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên. Ảnh: Quang Nhật

Bác sĩ Nguyễn Văn Mỹ, Phó Trưởng Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Vào mùa đông xuân, thời tiết thường thay đổi nhanh, bất ngờ. Những ngày trời lạnh, nhiệt độ thường giảm sâu, ban ngày và đêm có thể chênh lệch nhau từ 5 - 8 độ. Trẻ em và người già là đối tượng sức đề kháng yếu, dễ mắc bệnh nhất. Chẳng hạn với người già dễ mắc các bệnh như viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn. Ở trẻ em thì dễ bị viêm phổi, viêm phế quản, rota, mề đay, tràm sữa, viêm mao mạch... khiến trẻ thường sốt cao, khó thở, quấy khóc, bỏ ăn, không chịu chơi...

Theo bác sĩ Mỹ, việc chăm sóc trẻ em càng phải kỹ hơn, nhất là đối với trẻ sơ sinh đòi hỏi sự quan tâm và kiến thức hiểu biết của cha mẹ. Cần mặc đủ ấm nhưng chú ý buổi tối nếu mặc quá ấm đi ngủ đến khi nóng quá, trẻ sẽ toát mồ hôi, từ đó có thể ngấm lại vào cơ thể, gây cảm lạnh, sốt cao, nặng có thể viêm phổi. Đồng thời, cần cho trẻ ăn uống đủ dinh dưỡng, uống thêm nước ấm, tránh cho trẻ ra ngoài vào những ngày rét đậm. Cùng với đó, cần tiêm phòng đủ các loại vaccine theo chương trình tiêm chủng mở rộng. 

Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 tại các địa phương trên địa bàn Đắk Lắk vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc bệnh tăng. Trong khi đó, thời tiết mùa đông lạnh ẩm không chỉ tạo điều kiện cho các loại virus, vi khuẩn phát triển mà còn làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Do đó, việc chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân là việc làm cần thiết, nếu để các bệnh dịch theo mùa bùng phát cùng với dịch COVID-19 sẽ rất nguy hiểm và ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả trong mùa đông xuân, người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe như: Tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vaccine phòng bệnh như sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm…); giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, ủ ấm cho trẻ em và cơ thể khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp, nếu cần thiết phải tiếp xúc thì đeo khẩu trang.

Đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín, ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng, ăn cân đối các nhóm dưỡng chất như tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hằng ngày, thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Đặc biệt, khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục