Chú trọng dinh dưỡng để phòng bệnh cho trẻ nhỏ khi thời tiết thay đổi thất thường

Tiến Tú, icon
11:33 ngày 13/12/2023

VTV.vn - Thời tiết thay đổi thất thường, từ nóng chuyển sang lạnh sâu kéo dài, từ nắng chuyển sang mưa sẽ dễ làm ảnh hưởng đến sức khoẻ hệ tiêu hóa và hô hấp, đặc biệt là ở trẻ em.

Gia đình có một bạn nhỏ 4 tuổi, ngay khi thời tiết trở lạnh, chị Nguyễn Phương Hiền, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho con. Chị chia sẻ, các bữa ăn của con tại nhà đều đảm bảo ấm nóng, tăng thêm lượng đạm, chất béo trong mỗi món ăn. Theo chị, việc điều chỉnh này giúp con có đủ năng lượng, giữ ấm cho cơ thể trong mùa đông khi nhiệt độ giảm sâu.

Chú trọng dinh dưỡng để phòng bệnh cho trẻ nhỏ khi thời tiết thay đổi thất thường - Ảnh 1.

Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho trẻ vào mùa lạnh

Để tăng sức đề kháng, phòng bệnh trong mùa đông, kinh nghiệm của chị Hiền là tăng cường bổ sung vitamin từ đa dạng các loại trái cây cùng với nước ép. Đây cũng là nhóm thực phẩm được con yêu thích. Trong tủ lạnh của gia đình, chị Hiền cho biết, luôn có một số loại trái cây như cam, quýt, thanh long, … Gần như ngày nào, bạn nhỏ nhà chị cũng uống nước cam.

Bên cạnh việc thay đổi khẩu phần ăn hàng ngày, đảm bảo trẻ ăn uống đủ chất, chị Hiền cũng chú trọng việc giữ ấm cho con, hạn chế thay đổi môi trường đột ngột. Dù vậy, theo chị Hiền, vẫn khó tránh khỏi việc trẻ mắc bệnh liên quan đến hô hấp. Chị cũng mong muốn tìm được giải pháp để hạn chế tối đa việc mắc bệnh ở trẻ.

Chú trọng dinh dưỡng để phòng bệnh cho trẻ nhỏ khi thời tiết thay đổi thất thường - Ảnh 2.

Hệ tiêu hoá khoẻ mạnh giúp trẻ tăng cường đề kháng, tránh xa bệnh tật

Giải đáp băn khoăn của chị Hiền cũng như nhiều gia đình có trẻ nhỏ, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, chăm sóc hệ tiêu hóa khỏe là chìa khóa vàng giúp trẻ tăng cường đề kháng, tránh xa bệnh vặt.

- Hệ tiêu hóa không chỉ là nơi tiếp nhận thực phẩm để chuyển hóa thành dưỡng chất đi nuôi toàn bộ các cơ quan trong cơ thể, mà còn là nơi cốt yếu tạo ra "thành trì" bảo vệ cơ thể chống lại một số tác nhân gây bệnh.

- Khoảng 70% hệ miễn dịch biểu mô của cơ thể nằm ở đường ruột. Nó có vai trò phát hiện và tiêu diệt các mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể.

- Đặc biệt hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển toàn diện, sự kết nối giữa các tế bào biểu mô ruột lỏng lẻo, vi khuẩn dễ xâm nhập gây các bệnh về rối loạn tiêu hóa. Ở trẻ, thức ăn được tiêu hóa ở ruột nhờ tác dụng của các men trong dịch ruột, dịch tụy, mật. Tuy nhiên, hàm lượng các men này thường không đáp ứng tối ưu cho quá trình tiêu hóa, nên trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa và kém hấp thu khi mắc bệnh.

Chú trọng dinh dưỡng để phòng bệnh cho trẻ nhỏ khi thời tiết thay đổi thất thường - Ảnh 3.

Để trẻ có hệ tiêu hoá khoẻ mạnh, PGS TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhấn mạnh một số lưu ý sau, cha mẹ có thể tham khảo:

Thứ nhất, trẻ cần ngủ nghỉ và vận động vui chơi hợp lý, tránh thay đổi đột ngột điều kiện môi trường sống;

Thứ hai, chế độ dinh dưỡng hợp lý với đầy đủ các nhóm chất như đạm, bột đường, béo, vitamin và chất xơ;

Thứ ba, chăm sóc hệ tiêu hóa mà đặc biệt là hệ vi sinh đường ruột, để qua đó tăng cường tiêu hóa hấp thu và tăng sức đề kháng, thông quan một số thành phần thực phẩm như sữa chua ăn, sữa chua uống lên men.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục