Chuyên gia lý giải bệnh Whitmore tăng đột biến sau mưa lũ

P.V, icon
01:55 ngày 28/11/2020

VTV.vn - Mưa lũ là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển, trong đó, có Whitmore. Căn bệnh có tỉ lệ tử vong lên tới 40% nếu không được điều trị kịp thời.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai thăm khám cho bệnh nhân mắc Whitmore.

Thời gian gần đây, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp mắc Whitmore. Đa số các ca bệnh đến từ khu vực miền Trung và nhập viện trong tình trạng nặng.

Để lý giải về diễn biến phức tạp của căn bệnh này, phóng viên Y tế 24h đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.

- PV: Thưa bác sĩ, vì sao các ca bệnh Whitmore lại tăng đột biến sau mưa lũ?

PGS.TS Đỗ Duy Cường: Các vùng bị lũ lụt thì nước dâng lên, vi khuẩn có trong đất, cũng như ao hồ nơi mà lượng vi khuẩn phát triển khi điều kiện thuận lợi. Mưa bão, nước ngập vi khuẩn sẽ di chuyển từ vùng này sang vùng khác. Đặc biệt những người có yếu tố nguy cơ như bệnh mạn tính, bệnh tiểu đường, phổi, thận, giảm miễn dịch… Vi khuẩn dễ xâm nhập qua da vào trong cơ thể.

- PV: Các ca bệnh thường có biểu hiện như thế nào?

PGS.TS Đỗ Duy Cường: Sốt kéo dài, có nhiều ổ áp xe nhiều nơi. Sưng đau các khớp, các cơ, tổn thương phổi, gan, thận… ở trẻ em có thể sưng tuyến mang tai cho nên rất đa dạng.

- PV: Với biểu hiện lâm sàng đa dạng, Whitmore có dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác không thưa bác sĩ?

PGS.TS Đỗ Duy Cường: Bệnh này đa số mọi người không phát hiện ra và các bác sĩ lâm sàng cũng thế thường hay bỏ sót nên khi chẩn đoán thường phát hiện muộn. Các bệnh nhân ở tuyến tỉnh cũng thường chẩn đoán là một bệnh khác.

- PV: Cần làm gì để phòng ngừa bệnh whitmore trong thời điểm mưa lũ?

PGS.TS Đỗ Duy Cường: Áp dụng các biện pháp bảo hộ như đi găng, đi ủng khi tiếp xúc với bùn nước, rửa sạch chân tay không bị xây xước ngoài da vì vi khuẩn dễ xâm nhập vào. Nếu như phát hiện ra rồi thì phải điều trị sớm, điều trị triệt để bằng kháng sinh đặc hiệu. Điều trị kháng sinh sai, chẩn đoán sai, nhầm kháng sinh sẽ để lại biến chứng và tỷ lệ tử vong cao.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục