Chuyên gia nhi khoa chỉ ra sai lầm cha mẹ mắc phải khi dùng hạ sốt cho trẻ

Lê Thạch, icon
06:09 ngày 15/08/2019

VTV.vn - Bệnh viện Nhi Trung ương hàng năm tiếp nhận không ít các trường hợp bệnh nhi nhập viện do ngộ độc thuốc hạ sốt Paracetamol. Trong đó, nhiều ca tiên lượng nặng.

TS. BS Lê Ngọc Duy, Trưởng Khoa Cấp cứu - Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: hiện tại, khoa đang tiếp nhận điều trị cho một số trường hợp bệnh nhi được chuyển đến từ tuyến dưới với chẩn đoán ngộ độc thuốc do sử dụng quá liều thuốc hạ sốt. Đặc biệt, khi được chuyển từ tuyến dưới lên, nhiều trẻ đã bị ngộ độc trong vài ngày nên tình trạng khi nhập viện rất nặng.

Mới đây nhất là trường hợp bệnh nhi 27 tháng tuổi ở Phú Thọ. Bệnh nhi bị sốt, được bà ngoại cho uống mỗi lần 1 viện hạ sốt Paracetamol 500mg, 4 viên/1 ngày. Trong khi cân nặng bệnh nhi chỉ là 10kg. Đến ngày thứ 4, bệnh nhi phải nhập viện vì ngộ độc thuốc.

Đến thời điểm hiện tại, tình trạng bệnh nhi rất nặng. Các bác sĩ phải hỗ trợ thở máy, dùng các biện pháp thải độc, lọc máu…

Việc nhiều trẻ bị ngộ độc do uống quá liều thuốc hạ sốt, TS.BS Lê Ngọc Duy nêu rõ lý do:

- Do thuốc hạ sốt rất phổ biến, chính vì phổ biến nên bố mẹ tự ý sử dụng khi thấy trẻ bị sốt. Từ đó dẫn đến nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc vì quá liều dùng.

- Thuốc Paracetamol có quá nhiều loại bào chế từ viên nén, gói dạng bột, viên đặt hậu môn, dạng nước... vì thế nhà sản xuất cho ra nhiều loại với hàm lượng khác nhau nên rất dễ nhầm lẫn khi sử dụng.

- Thuốc hạ sốt có nhiều tên gọi, biệt dược khác nhau gây nhầm lẫn khi sử dụng đối với trẻ em.

- Sự bất cẩn của bố mẹ, ông bà khi cho trẻ uống thuốc.

- Ngộ nhận với việc sử dụng liều lượng thuốc cao sẽ giúp trẻ nhanh hạ sốt.

- Giải thích, hướng dẫn của nhân viên y tế với phụ huynh chưa đầy đủ.

Biểu hiện của trẻ uống quá liều, ngộ độc thuốc Paracetamol

Trong 24h là biểu hiện sớm nhất nhưng thường bị nhầm lẫn với biểu hiện của bệnh trẻ đang mắc. Dấu hiệu rõ nhất là về tiêu hóa, trẻ có thể bị nôn, đau bụng, da xanh, ngủ ly bì.

Từ 24 - 48h, nếu trẻ không được đưa đến bệnh viện cấp cứu, dùng các biện pháp thải độc thì sẽ bị tổn thương gan (vàng da, vàng mắt, gan to…).

Sau 72h, triệu chứng của gan nặng lên dẫn tới tình trạng suy gan với biểu hiện rối loạn tri giác, ly bì do hạ đường huyết, rối loạn đông máu, suy than… trẻ có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời.

TS.BS Lê Trung Duy nhấn mạnh: việc điều trị cho trẻ bị ngộ độc thuốc Paracetamol không khó, các bác sĩ có thể dùng các biện pháp giải độc, lọc máu… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phát hiện và đưa trẻ đến ở giai đoạn sớm thì tiên lượng sẽ tốt hơn. Như trường hợp bệnh nhi trên, quá trình điều trị và theo dõi thực sự khó khăn do bệnh nhi đã ở giai đoạn muộn, bị suy gan nặng.

Sử dụng thuốc hạ sốt thế nào?

Thuốc chỉ nên uống khi sốt từ 38,5 độ C trở lên. Nếu sốt không đỡ, bệnh nhân nên đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để khám và điều trị.

Liều dùng Paracetamol thông thường là 10 - 15mg/1kg cân nặng, ngày dùng 4 lần với thời gian giãn cách là 4 - 6 tiếng. Liều hạ sốt an toàn không được quá 60mg/1kg cân nặng trong 1 ngày. Mức ngộ độc mà trẻ có thể gặp phải trung bình là 150mg/1kg cân nặng.

Phụ huynh cần lưu ý về tình trạng sức khỏe của trẻ trước đó. Ví dụ như các bệnh mạn tính, bệnh về gan, mật… để điều chỉnh liều lượng thuốc sử dụng. Để hạn chế, bố mẹ cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, liều lượng, thời gian sử dụng và có được sự tham vấn sử dụng thuốc của nhân viên y tế.

Không cho trẻ dùng đồng thời cả thuốc đặt và thuốc uống cùng chứa Paracetamol vì dễ bị quá liều, gây hạ nhiệt độ nhanh lên thân nhiệt của trẻ và ngộ độc thuốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục