Nguy cơ ngộ độc do Clostridium Botulinum đã được cảnh báo liên tục

P.V, icon
05:45 ngày 25/05/2023

VTV.vn - Thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) liên tục có công văn gửi các địa phương, đơn vị về việc tăng cường công tác phòng chống ngộ độc do Clostridium Botulinum.

Từ đầu năm đến nay, đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố vi khuẩn Clostridium Botulinum, làm một số người ngộ độc phải nhập viện điều trị, trong đó đã có trường hợp tử vong.

Trước mối nguy này, để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc do vi khuẩn Clostridium Botulinum, từ cuối tháng 3/2023, Cục An toàn thực phẩm đã gửi công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Quản lý An toàn thực phẩm một số tỉnh/thành phố liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Clostridium Botulinum cho cộng đồng; đặc biệt chú ý hướng dẫn biện pháp chế biến, bảo quản đảm bảo an toàn đối với các thực phẩm truyền thống hoặc theo tập quán của địa phương, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm.

Trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất. Trong sản xuất đồ hộp, phải chấp hành chế độ khử khuẩn một cách nghiêm ngặt; Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không đông đá.

Tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời đối với các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm, điều tra xác định nguyên nhân vụ ngộ độc theo quy định và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng. Trong trường hợp cần thiết cần kết nối hội chẩn liên viện, bệnh viện tuyến trên để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc xảy ra.

Gần đây nhất, đã lại xuất hiện các ca ngộ độc Botulinum tại TP Hồ Chí Minh do ăn chả lụa bán dạo. Trước diễn biến mới đáng lo ngại này, liên tục trong các ngày 17 và 23/5, Cục An toàn thực phẩm cũng đã có công văn đề nghị Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố:

- Liên hệ, phối hợp với các bệnh viện tiếp nhận và điều trị theo dõi sát diễn biến tình trạng bệnh nhân. Tổ chức điều tra, xác minh nguồn gốc cơ sở cung cấp sản phẩm giò lụa nghi ngờ gây ra vụ ngộ độc trên, trường hợp phát hiện có vi phạm cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, dịch vụ thức ăn đường phố; ngăn chặn kịp thời các loại thực phẩm sản xuất, kinh doanh không đảm bảo an toàn gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng lưu thông trên thị trường, đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất, bảo quản giò chả nhỏ lẻ, có nguy cơ phát sinh lây nhiễm Botulinum.

Cập nhật diễn biến các vụ ngộ độc Botulinum mới nhất do ăn chả lụa bán dạo khiến 6 người nhập viện (trong đó có 3 trẻ em) tại TP Hồ Chí Minh, đến hôm nay (25/5) đã ghi nhận 1 ca tử vong. Thông tin khiến nhiều người dân lo lắng. Vậy đâu là giải pháp phòng ngừa hiệu quả?

Theo Cục An toàn thực phẩm, thức ăn khi chế biến và đun sôi 100 độ C thì sau 5 đến 10 phút, vi khuẩn gây độc tố Botulinum đã bị tiêu diệt. Do đó, người tiêu dùng cần tuân thủ việc ăn chín, uống sôi. Mặt khác, người tiêu dùng cũng cần nâng cao kiến thức, hiểu biết về cách sử dụng, bảo quản đồ ăn, không cất đồ ăn thừa ngay lập tức vào tủ lạnh. Thực phẩm tươi sống, như: Thịt, cá… nên rửa sạch trước khi cho vào bảo quản trong ngăn đá. Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...) cần bảo đảm phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn. Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc Botulinum, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục