Cứu bệnh nhân sốc mất máu do vỡ tĩnh mạch thực quản

Minh Khương, icon
05:39 ngày 24/08/2023

VTV.vn - Các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) vừa cấp cứu thành công bệnh nhân nam 62 tuổi sốc mất máu do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản.

Bệnh nhân T.V.B. (62 tuổi, trú tại phường Việt Hưng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) vào viện trong tình trạng da xanh, niêm mạc nhợt, củng mắt vàng, nôn ra máu đỏ tươi, mạch nhanh, huyết áp tụt.

Người nhà bệnh nhân cho biết: cách vào viện khoảng 3 giờ, bệnh nhân nôn 3 lần ra máu đỏ thẫm, lẫn máu cục, số lượng gần 1.000ml. Bệnh nhân có tiền sử xơ gan, uống rượu nhiều.

Tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, xuất huyết tiêu hóa nặng kèm theo các triệu chứng của sốc mất máu. Bệnh nhân nhanh chóng được hội chẩn và được chỉ định nội soi chẩn đoán và can thiệp ngay tại giường của Khoa Cấp cứu lưu.

Tiến hành nội soi, các bác sĩ thấy có nhiều máu đỏ và máu đông trong lòng thực quản, dạ dày, giãn tĩnh mạch thực quản độ III. Vị trí cách CRT gần 30cm có 2 điểm vỡ giãn đang phun thành tia.

Kíp can thiệp đã tiến hành thắt các điểm vỡ tĩnh mạch bằng vòng cao su nhưng không thể thắt được do niêm mạc thực quản xơ chai, co kéo, trong tình thế khó, cấp thiết. Bác sĩ đã quyết định kẹp điểm vỡ giãn bằng 2 kẹp clip. Kiểm tra lại sau thủ thuật thấy điểm vỡ giãn đã cầm máu.

Sau khi can thiệp cầm máu thực quản thành công, nhưng bệnh nhân đang trong tình trạng sốc mất máu nên được chuyển ngay đến Khoa Hồi sức cấp cứu theo dõi tích cực. Sau 1 ngày can thiệp, hiện sức khỏe bệnh nhân tạm ổn định, không còn nôn ra máu, không có dấu hiệu chảy máu tái phát.

Theo các bác sĩ, xuất huyết tiêu hóa cao do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản là một biến chứng đặc biệt nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng người bệnh, thường gặp ở các bệnh nhân xơ gan, ung thư gan trên nền xơ gan, suy tế bào gan, rối loạn nghiêm trọng chức năng đông máu. Tất cả các bệnh nhân bị xuất huyết cấp tính do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản đều cần phải được xử trí cấp cứu kịp thời. Khả năng kiểm soát đường thở, vận mạch, kháng sinh, truyền máu kết hợp với nội soi can thiệp cầm máu.

Thông thường thì bệnh nhân vỡ giãn tĩnh mạch thực quản được can thiệp cầm máu bằng phương pháp thắt vòng cao su. Trường hợp bệnh nhân trên không thể can thiệp bằng thắt vòng cao su do tổ chức dưới niêm mạc thực quản xơ chai, các bác sĩ đã tiến hành can thiệp bằng kẹp clip thành công, trên y văn thế giới cũng đã có những báo cáo các trường hợp tương tự.

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo: Đối với bệnh nhân xơ gan, nên thực hiện nội soi tiêu hóa định kỳ để phát hiện sớm các búi giãn tĩnh mạch thực quản để điều trị dự phòng bằng thuốc chẹn beta giao cảm hoặc nội soi thắt tĩnh mạch thực quản dự phòng. Khi có dấu hiệu nôn ra máu, đại tiện phân đen, máu đỏ tươi, cần đến bệnh viện ngay để được cấp cứu kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục