Cứu cô gái bị lóc da toàn bộ mu bàn chân do tai nạn giao thông

Linh Chi, icon
01:59 ngày 21/04/2018

VTV.vn - Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa tiếp nhận bệnh nhân H.T.D (19 tuổi, trú tại Thanh Sơn, Phú Thọ) trong tình trạng chảy máu nhiều phần cổ và mu bàn chân.

Bàn chân bị dập nát phần mềm

Theo người nhà, bệnh nhân lưu thông trên đường bằng xe máy bất ngờ va chạm mạnh với ô tô đi cùng chiều, vết thương chưa được sơ cứu tại chỗ và được đưa tới Bệnh viện đa khoa Hùng Vương. Ngay lập tức bệnh nhân được vệ sinh, sát khuẩn vết thương, cầm máu.

Bệnh nhân được chẩn đoán vết thương phức tạp bàn chân trái, lóc da toàn bộ mu bàn chân và gót chân. Sau đó, bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu cắt lọc vết thương, xử lý da lóc được chỉ định ngay sau đó.

Cứu cô gái bị lóc da toàn bộ mu bàn chân do tai nạn giao thông - Ảnh 1.

Bác sĩ cắt lọc và khâu vết thương

Hiện tại sức khỏe bệnh nhân sau phẫu thuật ổn định và đang được điều trị tại khoa Ngoại Bệnh viện đa khoa Hùng Vương.

Các bác sĩ khuyến cáo: mọi người cần trang bị kiến thức sơ cứu tại chỗ cơ bản để có thể xử lý vết thương, cầm máu,..trước khi đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất. Việc sơ cứu nhanh, đúng cách ngay khi bệnh nhân gặp tai nạn rất quan trọng, trong một số trường hợp có thể cứu bệnh nhân thoát khỏi cái chết.

Cách sơ cứu khi bị vết thương chảy máu

Chảy máu là tình trạng mất một lượng máu từ các hệ thống mạch máu, bao gồm chảy máu trong và chảy máu ngoài. Nếu gặp một bệnh nhân đang bị chảy máu, việc cần làm trước tiên là sơ cứu cầm máu, ngay sau đó đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.

Tạo áp lực lên vết thương để cầm máu bằng băng gạc hoặc khăn sạch cho đến khi máu ngừng chảy. Có thể mất vài phút để máu ngừng chảy, chảy máu tại động mạch có thể cần thời gian đông lâu hơn, vì dòng máu trong động mạch chịu áp suất cao nhất. Máu chảy từ động mạch thường phun thành tia và có màu đỏ tươi. Máu chảy từ các mao mạch thì chậm hơn, tuy nhiên có khả năng nhiễm trùng và dễ sưng tấy hơn.

Có thể sát trùng vết thương bằng dung dịch nước muối pha loãng hoặc betadine pha loãng. Sau đó bôi thuốc sát trùng trước khi áp băng gạc lên vết thương. Nếu bị vết cắt chảy máu ở tay, có thể đặt cao hơn vị trí tim để giúp cầm máu.

Lưu ý:

Có rất nhiều loại vết thương chảy máu, vết thương hở khác nhau: vết cắt thẳng, vết cắt không đều hoặc vết trầy xước.

Kiểm tra màu móng tay của bệnh nhân: nếu sau khi nhấn vào móng tay nạn nhân, phải mất hơn 3 giây màu móng tay mới phục hồi như ban đầu, thì có thể bệnh nhân đang có vấn đề về tuần hoàn máu.

Không nên buộc garo chặt trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến lưu thông máu do có thể dẫn đến hoại tử. Nên nới lỏng garo mỗi 20 phút và gọi cấp cứu.

Nếu bệnh nhân chảy máu nhiều, kèm theo mạch đập bất thường hoặc khó thở, cần gọi cấp cứu ngay lập tức. Theo dõi bệnh nhân chặt chẽ và cố gắng kiểm soát tình trạng xuất huyết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục