Dấu hiệu trẻ quấy khóc do còi xương

Ban Khoa giáo, icon
06:22 ngày 25/09/2017

VTV.vn - Thầy thuốc ưu tú, ThS. BS Lê Thị Hải sẽ hướng dẫn các bà mẹ cách phân biệt trẻ quấy khóc thông thường và quấy khóc do còi xương.

ThS. BS Lê Thị Hải - nguyên Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, ngủ không ngon giấc, quấy khóc về đêm và ra mồ hôi trộm là một tình trạng rất phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt về mùa đông. Đây là dấu hiệu của bệnh còi xương ở trẻ.

Nếu trẻ không được điều trị kịp thời thì có thể triệu chứng này sẽ qua đi nhưng cũng có thể để lại di chứng sau này. Vì thế, khi cha mẹ thấy dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị còi xương thì nên cho trẻ đi khám.

Phân biệt trẻ quấy khóc thông thường và quấy khóc do còi xương:

Quấy khóc ở trẻ nhỏ có rất nhiều nguyên nhân như đói; đi tè ướt tã, quần; đau bụng... Do vậy, các bà mẹ phải chú ý cách phân biệt:

- Nếu cho trẻ bú mà trẻ hết khóc thì đó có thể là do trẻ đói.

- Xem tã bỉm, quần của trẻ có ướt không? Nếu ướt mà được thay, lau sạch, trẻ nín, ngủ ngon thì là quấy khóc thông thường.

- Trẻ quấy khóc nhiều về đêm kèm theo ra mồ hôi. Trẻ nhỏ không ngon, có thể lăn bên này, lăn bên kia. Tóc rụng hình vằn khăn... Đó là một số dấu hiệu mà các mẹ nên nghĩ đến con mình thiếu canxi.

Hậu quả nếu để trẻ bị còi xương kéo dài:

- Thiếu canxi có thể dẫn đến còi xương ở trẻ em. Ở giai đoạn đầu của bệnh còi xương, trẻ ra mồ hôi nhiều, quấy khóc, ngủ không ngon giấc. Sau đó, trẻ có thể bẹp đầu, trán dô.

- Ở giai đoạn biết ngồi, lồng ngực trẻ có thẻ dô dần ra.

- Đến khi trên 1 tuổi mà trẻ vẫn bị còi xương thì trẻ có thể bị chân vồng kiềng hoặc chân chữ X. Trẻ cũng bị hạn chế chiều cao.

BS Lê Thị Hải cũng cho biết, canxi là vi chất quan trọng chống còi xương, nhưng nếu sử dụng một mình canxi thì không có hiệu quả mà nó phải được đi cùng với vitamin D3.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục