Đâu là nguyên nhân khiến bạn bị hôi miệng?

Tuấn Bảo, icon
06:40 ngày 16/05/2020

VTV.vn - Hôi miệng có thể gây ra lo lắng và khó chịu cho người bệnh. Tùy theo nguyên nhân gây hôi miệng sẽ có nhiều cách chữa hôi miệng dứt điểm khác nhau.

Hình minh họa.

Nguyên nhân gây hôi miệng:

Thực phẩm

- Sự phân hủy của những mẩu thực phẩm trong và xung quanh răng có thể gây ra mùi hôi.

- Ăn các thức ăn có chứa các loại tinh dầu đặc trưng cũng là nguyên nhân gây hơi thở hôi như: hành, tỏi hay các loại rau củ và gia vị khác.

Gặp các vấn đề về nha khoa

- Vệ sinh răng miệng kém, nếu không chải răng và dùng chỉ tơ nha khoa hàng ngày, những mẩu thức ăn còn lại trong miệng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và tiết ra các chất hóa học như hydrogen sulfide - một hợp chất có mùi trứng thối đặc trưng.

- Bị bệnh quanh răng, viêm lợi, sâu răng là những nguyên nhân gây ra hơi thở hôi.

- Những người làm răng giả không được chải sạch thường xuyên có thể chứa nhiều loại vi khuẩn tạo mùi hôi cùng các hạt thức ăn thừa.

Khô miệng

- Nước bọt giúp làm sạch miệng, loại bỏ các phần tử có thể gây ra mùi hôi thối. Tình trạng miệng khô có thể góp phần khiến hôi miệng do sản xuất nước bọt giảm. Khô miệng thường xảy ra một cách tự nhiên trong khi ngủ, dẫn đến hơi thở hôi vào buổi sáng.

- Một số thuốc có thể dẫn đến khô miệng mạn tính. Ngoài ra còn có thể do những bệnh lý khác của tuyến nước bọt.

Nguyên nhân bệnh lý

- Khoảng 10% các trường hợp hơi thở có mùi hôi không do nguyên nhân từ miệng, mà do một số bệnh ung thư và rối loạn chuyển hóa, có thể gây ra hơi thở có mùi đặc trưng do hậu quả của các hóa chất mà chúng sản sinh.

- Bệnh tiểu đường, suy thận hoặc suy gan có thể gây mùi tanh trong hơi thở.

- Trào ngược dạ dày thực quản mạn tính cũng gây ra hơi thở hôi.

- Tắc ruột thấp khiến hơi thở có mùi của phân.

Miệng, mũi và họng

- Bệnh lý như nhiễm trùng ở xoang vì dịch từ xoang nhỏ vào phía sau họng và gây ra mùi hôi miệng.

- Đôi khi hơi thở hôi có thể do nhiễm trùng ở đường hô hấp trên và dưới, hoặc do các vết loét trong đường hô hấp.

- Các dị tật của khoang miệng, mũi như hở hàm ếch có thể gây hôi miệng do cung cấp môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sản…

Thuốc lá

Hút thuốc lá gây khô miệng và gây ra mùi hôi miệng đặc trưng rất khó chịu

Điều trị hôi miệng

Hoàn toàn có thể chữa hôi miệng nếu bạn biết chính xác nguyên nhân và từ đó có hướng điều trị phù hợp.

- Điều trị nguyên nhân từ răng miệng như: vệ sinh răng miệng sạch sau khi ăn; điều trị sâu răng, viêm nướu, các bệnh lý trong khoang miệng; giữ miệng ẩm bằng cách uống nước.

- Điều trị các bệnh tai mũi họng như viêm mũi xoang, viêm họng hạt, cắt amidan...

- Điều trị các bệnh đường tiêu hóa như đau dạ dày, viêm gan mật, viêm đại tràng và các bệnh lý khác của đường tiêu hóa...

- Tránh các thực phẩm có thể gây mùi hôi ở miệng. Ăn nhiều trái cây và rau; giới hạn thịt và chất béo, tránh các loại pho mát có mùi nặng. Tránh uống quá nhiều rượu, thuốc lá...

- Nước súc miệng nên dùng vào buổi tối vì đây là thời gian mà vi khuẩn hoạt động mạnh.

- Khám nha sĩ đều đặn 6 tháng/lần để cạo vôi răng và khám các bệnh răng miệng.

Phòng ngừa hôi miệng tái phát

- Đánh răng sau khi ăn: Bạn có thể để bàn chải đánh răng tại nơi làm việc để sử dụng sau khi ăn. Nên đánh răng ít nhất hai lần một ngày, đặc biệt là sau bữa ăn.

- Dùng chỉ tơ nha khoa sau mỗi bữa ăn: Việc dùng chỉ nha khoa loại bỏ các hạt thức ăn giữa các kẽ răng sẽ giúp ngăn ngừa hơi thở hôi do thức ăn hiệu quả.

- Chải lưỡi: Lưỡi của bạn chứa rất nhiều vi khuẩn và là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển do chứa các hạt thức ăn thừa tích tụ, vì vậy hãy chải lưỡi hàng ngày để ngăn ngừa mùi hôi hiệu quả. Những người có lưỡi trắng tức là đang có sự phát triển quá mức của vi khuẩn, do vậy, cần làm sạch hàng ngày để ngăn chặn chữa hôi miệng nặng.

- Làm sạch răng giả hoặc dụng cụ nha khoa: Nếu bạn đeo niềng răng hoặc răng giả, hãy vệ sinh kỹ lưỡng ít nhất một lần một ngày hoặc theo chỉ dẫn của nha sĩ. Hãy vệ sinh răng miệng và cả các dụng cụ này trước khi đưa vào miệng.

- Tránh khô miệng: Để giữ cho miệng không bị khô, hãy uống đủ nước mỗi ngày. Nhai kẹo cao su không đường để kích thích sản xuất nước bọt. Đối với trường hợp khô miệng mạn tính, nha sĩ hoặc bác sĩ của bạn có thể kê đơn chuẩn bị nước bọt nhân tạo hoặc một loại thuốc uống kích thích tiết nước bọt.

- Tránh hút thuốc lá, hạn chế cà phê, nước ngọt hoặc rượu: Chúng không những không tốt cho sức khỏe mà còn làm hơi thở bạn có mùi khó chịu.

- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Tránh các loại thực phẩm như hành tây và tỏi có thể gây hôi miệng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục