Diễn biến mới trong "cuộc chiến vaccine" EU - Anh

Thảo Thành, icon
01:50 ngày 03/02/2021

VTV.vn - Sau một giai đoạn căng thẳng dâng cao về vấn đề vaccine, Liên minh châu Âu EU đã bất ngờ nhượng bộ và bày tỏ mong muốn cùng đưa ra hướng giải quyết với phía Anh

Anh chính thức bắt đầu đợt tiêm vaccine trên toàn quốc vào ngày 4/1. (Nguồn: Getty)

Bắc Ireland trở thành "điểm nóng" trong quan hệ Anh - EU

Các căng thẳng hiện nay xoay quanh vấn đề thực thi Điều 16 Nghị định thư về Bắc Ireland, là một phần của thoả thuận thương mại Anh - EU nhằm điều chỉnh quan hệ thương mại của Bắc Ireland - khu vực thuộc Anh có biên giới trên bộ với EU - với Liên minh châu Âu cũng như với phần còn lại của Vương quốc Anh. Đây là một trong những điều khoản mà Brussels ra sức bảo vệ trong quá trình đàm phán Brexit đầy căng thẳng trước khi hoàn tất hồi cuối năm ngoái.

Theo Nghị định thư Bắc Ireland, tất cả các sản phẩm được phép xuất khẩu từ EU sang Bắc Ireland mà không cần kiểm tra, vì Bắc Ireland vẫn nằm trong thị trường hàng hóa chung và tiếp tục hoạt động theo các quy tắc của EU. Nghị định này là một giải pháp cho những câu hỏi liên quan đến vấn đề biên giới Ireland và được thông qua để tránh làm căng thẳng chính trị tại biên giới, giảm thiểu khả năng gián đoạn thương mại xuyên biên giới.

Diễn biến mới trong cuộc chiến vaccine EU - Anh - Ảnh 1.

Lá cờ Liên minh Châu Âu tung bay trong ngày thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt được tổ chức tại Brussels (Getty)

Tuy nhiên, điều 16 của Nghị định thư Bắc Ireland cho phép EU hoặc Vương quốc Anh đơn phương đình chỉ các cam kết của mình nếu cho rằng việc này đang gây ra "khó khăn về kinh tế, xã hội hoặc môi trường". Điều 16 được coi là lựa chọn cuối cùng khi các bên tham gia không thể đi tới quyết định chung để giải quyết một vấn đề.

Vào ngày 29/1, trong bối cảnh liên tục xảy ra tình trạng thiếu hụt vaccine, EU đã viện dẫn Điều 16 trong tuyên bố của mình về việc hạn chế xuất khẩu vaccine COVID-19. Hành động này đã gây chấn động tại Bắc Ireland cũng như toàn nước Anh, và bị chỉ trích là một động thái mang tính "phục thù" của phía EU. WHO cũng gọi đây là một biểu hiện của "chủ nghĩa dân tộc vaccine" và không có lợi cho việc phổ biến rộng rãi vaccine COVID-19 trên toàn cầu.

EU bất ngờ nhượng bộ trong vấn đề vaccine

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi công bố, EU đã đảo ngược lại quyết định này khi nhận được sự chỉ trích và phản đối kịch liệt đến từ Vương quốc Anh, Bắc Ireland cũng như Cộng hòa Ireland. Theo BBC ngày 30/1, Chánh văn phòng Nội các Anh Michael Gove cho biết ông đã trao đổi với Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic và đi tới kết luận rằng cả hai bên đều đồng ý "làm lại từ đầu" và đặt những quyền lợi của công dân Bắc Ireland lên làm ưu tiên, không làm gián đoạn hay ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày.

Ông cũng chia sẻ thêm rằng Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có cuộc thảo luận với Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, đi tới một sự thống nhất đó là nguồn cung về vaccine không nên bị ảnh hưởng để mỗi quốc gia có thể thực hiện kế hoạch chiến lược của mình. Một nhà ngoại giao trong một cuộc phỏng vấn với BBC tại châu Âu đã mô tả quyết định này là "một ý tưởng tồi tệ" chứ không phải một bước đi mang tính chiến lược trong bối cảnh hiện tại.

Diễn biến mới trong cuộc chiến vaccine EU - Anh - Ảnh 2.

Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (Nguồn: Getty)

"Cuộc chiến vaccine" vẫn chưa có hồi kết

Mặc dù đã rút lại tuyên bố về việc viện dẫn Điều 16, EU vẫn đưa ra những hình thức khác về kiểm soát việc xuất khẩu vaccine để đảm bảo nguồn cung cho các nước thành viên. Cụ thể, vaccine phòng ngừa COVID-19 sẽ bị cấm xuất khẩu ra các nước ngoài EU, trong đó có Vương quốc Anh, nếu công ty sản xuất vaccine không đảm bảo được số lượng đã ký kết trong hợp đồng với châu Âu. EC cho biết rằng đây không phải là lệnh cấm xuất khẩu mà là giải pháp tạm thời trong bối cảnh thiếu sự minh bạch trong quy trình sản xuất và xuất khẩu vaccine ra khỏi EU.

Trong khi đó, phía Anh lại nhấn mạnh về sự "hợp tác quốc tế" trong bối cảnh hiện tại. Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liz Truss cho biết: Vương quốc Anh có thể giúp EU và các quốc gia khác trong việc cung cấp vaccine COVID-19 ngay cả trước khi chương trình tiêm chủng trong nước hoàn thành. Ông Michael Gove cũng phát biểu rằng chính phủ Anh có ưu tiên hàng đầu là tiêm chủng cho công dân của mình, nhưng cũng rất muốn góp phần giúp đỡ EU và các nước láng giềng giải quyết được vấn đề của họ.

Chính phủ Anh đã giúp thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất vaccine bằng cách mua một lượng lớn các công nghệ chưa được thử nghiệm nhiều tháng trước. Trong khi những nước khác còn tỏ ra ngần ngại, Thủ tướng Johnson cho biết Chính phủ Anh chấp nhận chịu rủi ro. Chính quyền của ông đã  để các cơ quan quản lý theo dõi nhanh việc phê duyệt vaccine COVID-19. Sự kết hợp của việc lập kế hoạch chặt chẽ, sự sẵn sàng chi tiêu và cấu trúc NHS tập trung đã đưa vaccine tới tay công dân Anh với tốc độ nhanh chóng.

Vương quốc Anh đã đặt hàng dự trữ vaccine nhiều hơn số lượng cần cho toàn thể dân số, và hiện đang được đánh giá là một quốc gia có nhiều thuận lợi hơn về cung ứng vaccine COVID-19 - theo phân tích của BBC. Mặc dù vaccine của Pfizer đang vướng phải một số vấn đề liên quan đến việc nâng cấp nhà máy tại Bỉ, vaccine của AstraZeneca được sản xuất tại Anh và dây chuyền cung ứng của hãng đang hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, những thuận lợi về cung ứng vaccine cũng đến từ một số hãng vaccine khác bao gồm: Novavax, Moderna hay Janssen.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục