Điều trị kịp thời cứu bé 5 tuổi mắc bệnh Kawasaki nguy hiểm

P.V, icon
11:11 ngày 11/03/2024

VTV.vn - Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng vừa tiếp nhận điều trị thành công cho bệnh nhi N.N.Đ.K. (5 tuổi) mắc bệnh Kawasaki.

Bệnh nhi được ra viện sau 9 ngày điều trị. Ảnh: BVCC

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao 2 ngày liên tiếp, hạch cổ phải sưng to, không phát ban trên da, không có mụn nhọt hay nốt bất thường, tình trạng hô hấp, tuần hoàn không có bất thường.

Sau khi có kết quả xét nghiệm máu và hình ảnh ban đầu cho thấy, hạch vùng cổ phải kích thước 18x16mm, chỉ số viêm (CRP) máu tăng cao, các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhi nhập viện với chẩn đoán ban đầu là viêm hạch bạch huyết cổ phải, được chẩn đoán phân biệt bệnh Kawasaki.

Tiến hành điều trị nội khoa tích cực bằng kháng sinh phổ rộng, sau 3 ngày theo dõi sát và điều trị, bệnh nhi vẫn còn sốt cao liên tục, xuất hiện thêm tình trạng phát ban đỏ toàn thân, niêm mạc lưỡi đỏ, kết mạc mắt đỏ. Xét nghiệm các chỉ số viêm CRP, VSS tăng cao dần mặc dù đã được điều trị kháng sinh thích hợp và tích cực. 

Bệnh nhi được hội chẩn nội khoa để bổ sung thêm các xét nghiệm hỗ trợ và cuối cùng đưa ra chẩn đoán xác định là bệnh Kawasaki ngày thứ 6.

Ngay lập tức, bệnh nhi được chỉ định điều trị bằng cách truyền thuốc đặc hiệu IVIG (immunoglobulin tĩnh mạch) kháng viêm aspirin. Sau truyền thuốc 24 giờ, các triệu chứng bệnh thuyên giảm đáng kể, bệnh nhi hết sốt và các triệu chứng khác như ban da, đỏ mắt cũng biến mất.

Sau 9 ngày điều trị, bệnh nhi phục hồi tốt và được xuất viện, phụ huynh được tư vấn và hẹn tái khám theo lịch để kiểm soát bệnh cũng như biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh là giãn động mạch vành, nguy cơ đột tử khi trẻ lớn.

Theo ghi nhận, Kawasaki được xem như là bệnh hiếm nhưng nhiều biến chứng tim mạch nặng nề nếu không điều trị kịp thời gặp ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh khoảng 50 - 100 /100.000 trẻ.

Theo ThS.BS Trần Nhật Phương - Khoa Nhi, bệnh Kawasaki chính là bệnh viêm mạch máu vừa và nhỏ, thường xuất hiện ở đối tượng trẻ dưới 5 tuổi với cơ chế gây bệnh chưa rõ ràng, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác như nhiễm khuẩn thông thường, hoặc đôi khi bệnh tự thoái lui nên dễ lơ là bỏ sót. Nếu không được phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời, Kawasaki có nguy cơ gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là các tổn thương và di chứng lên tim, mạch vành. 

Do đó, để phòng tránh các biến chứng nguy hiểm về sau, gia đình nên đưa bé đến ngay cơ sở y tế uy tín để khám và điều trị nếu trẻ có các dấu hiệu tương tự.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục