Gia tăng người bệnh mắc sốt xuất huyết nhập viện

P.V, icon
11:40 ngày 24/07/2023

VTV.vn - Những ngày gần đây, số lượng người mắc sốt xuất huyết đến khám và điều trị gia tăng đột biến tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E.

Từ tháng 7/2023, mỗi ngày, phòng khám Khoa Bệnh nhiệt đới tiếp nhận khoảng 20 người dân mắc sốt xuất huyết, trong đó có 5-10 trường hợp phải nhập viện theo dõi, điều trị. Trong số này có không ít phụ nữ mang thai, người cao tuổi và người có nhiều bệnh lý nền.

Người bệnh N.K.T. (41 tuổi, trú tại phường Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đang điều trị sốt xuất huyết ngày thứ 3 tại Khoa Bệnh nhiệt đới chia sẻ: "Tôi là người thứ 2 trong gia đình bị sốt xuất huyết, trước đó, ông tôi đã bị sốt xuất huyết. Người già, nhiều bệnh lý nền như đái tháo đường, huyết áp… khi mắc sốt xuất huyết vô cùng nguy hiểm, ông tôi phải nhập viện điều trị ngay. Còn tôi chủ quan vì hầu như năm nào cũng mắc sốt xuất huyết đến ngày thứ 6 với các triệu chứng nặng như sốt cao, đau đầu chóng mặt, chảy máu chân răng nhiều… nằm mãi không thấy đỡ nên tôi đi khám và các bác sĩ yêu cầu nhập viện điều trị".

Người bệnh này cho biết, năm nào ở phường Minh Khai cũng là điểm nóng về dịch sốt xuất huyết với tỷ lệ người mắc rất cao. Hầu như cứ đến mùa dịch sốt xuất huyết bùng phát là các gia đình đều có ít nhất từ 2-3 người mắc sốt xuất huyết, dù người dân đã có ý thức hơn trong việc phòng chống căn bệnh này như nằm màn, diệt bọ gậy, phối hợp với ngành Y tế phun hóa chất, thuốc diệt muỗi, côn trùng…

Cùng nằm điều trị với người bệnh này là một sản phụ mang thai 6 tuần mắc sốt xuất huyết, cũng ở phường Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Sản phụ nhập viện với triệu chứng sốt ngày thứ 2, sốt cao liên tục, mệt nhiều, tức bụng, buồn nôn, ra máu âm đạo bất thường. Lúc đầu, sản phụ lầm tưởng mình bị mắc bệnh cúm và một số bệnh khác nên không điều trị gì, chỉ đến khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng như li bì, lạnh đầu chi mới vào viện điều trị trong tình trạng mạch nhanh nhỏ, hạ huyết áp.

Theo các bác sĩ ở Khoa Bệnh nhiệt đới, người bệnh đến khám và điều trị ở khoa tập trung chủ yếu ở phường Mai Dịch, Dịch Vọng, Cầu Diễn (quận Cầu Giấy), quận Nam Từ Liêm, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội)… Cách đây 3 tháng, đã có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện, nhưng mấy ngày gần đây, cao điểm số người mắc sốt xuất huyết điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới lên đến 30-40 người, chiếm hơn 50% số người bệnh đang điều trị tại khoa này. Đối với những người bệnh đã được điều trị ổn định, các bác sĩ ở Khoa Bệnh Nhiệt đới đã cho gần 200 người bệnh xuất ra viện.

Theo BSCKII Đào Văn Cao, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, tính đến nay, khoa đang theo dõi và điều trị cho gần 300 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Mặc dù số lượng bệnh nhân đông nhưng do chủ động phòng chống dịch, kê thêm giường xếp cho bệnh nhân tại các phòng bệnh nên đã hạn chế tình trạng bệnh nhân nằm ghép.

BSCKII Đào Văn Cao cho rằng, những cảnh báo của ngành Y tế về dịch sốt xuất huyết đã khiến người dân có ý thức hơn trong việc đi khám và điều trị sớm khi mắc căn bệnh này. Do đó, số lượng người bệnh đến khám đã tăng lên đáng kể, khoa đã chuẩn bị để tiếp nhận và điều trị cho số lượng bệnh nhân gia tăng trong thời gian tới.

Sau khi khám, chẩn đoán bệnh, các bác sĩ ở Khoa Bệnh nhiệt đới sẽ sàng lọc đối với những bệnh nhân mắc bệnh thể nhẹ, có thể cấp đơn và giải thích hướng điều trị ngoại trú cho bệnh nhân. Đối với những bệnh nhân sốt xuất huyết nặng và sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo như vật vã, lừ đừ, li bì, đau bụng nhiều, nôn ói nhiều, tiểu ít, xuất huyết niêm mạc, xét nghiệm có tiểu cầu giảm nhanh, cô đặc máu, men gan tăng cao sẽ được chỉ định vào viện theo dõi và điều trị.

Qua điều trị thực tế, các bác sĩ gặp các tình trạng bệnh diễn biến nặng của người bệnh sốt xuất huyết như ho ra máu, xuất huyết âm đạo trước chu kỳ, đi ngoài phân đen, men gan tăng cao, tràn dịch màng phổi, màng bụng, tụt huyết áp… Vì thế, trước những diễn biến khó lường của bệnh sốt xuất huyết, BSCKII Đào Văn Cao khuyến cáo, mọi người nếu thấy sốt cao đột ngột cần vào viện khám ngay, vì bệnh sốt xuất huyết có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng, vì vậy bệnh nhân cần được thăm khám, phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh và có kế hoạch xử trí thích hợp.

Đặc biệt, đối với người cao tuổi mắc nhiều bệnh lý nền như đái tháo đường, huyết áp, tim mạch hoặc phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết thường diễn biến nặng hơn, nhiều biến chứng như có thể sinh non, con nhẹ cân, xuất huyết khi sinh và sau sinh.

BSCKII Đào Văn Cao phân tích, sốt xuất huyết ở phụ nữ mang thai giai đoạn đầu nguy hiểm. Virus sẽ tác động vào cơ quan tạo máu của mẹ, gây ra rối loạn đông máu, giảm số lượng và chất lượng tiểu cầu. Dễ dẫn đến sảy thai, thai dị tật bẩm sinh, thai chết lưu. Ngoài ra, sốt xuất huyết vào giai đoạn chuyển dạ có thể gây băng huyết sau sinh do bệnh làm giảm tiểu cầu. Nặng hơn nữa là tình trạng rối loạn đông máu dẫn đến nguy cơ tử vong cho sản phụ và thai nhi.

Hiện không có vaccine dự phòng sốt xuất huyết cho phụ nữ mang thai và không có thuốc điều trị đặc hiệu nên các sản phụ mắc sốt xuất huyết nên đến bệnh viện đa khoa để có sự kết hợp chuyên môn giữa các khoa sản và bệnh nhiệt đới để theo dõi, điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục