Giảm đau do căn nguyên thần kinh - Cách gì?

BS. Mai Trung Dũng, icon
08:00 ngày 28/01/2013

Khác với đau thụ thể (nociceptive pain) - đau xuất phát từ các thụ cảm thể ở mô thì đau do căn nguyên thần kinh (neuropathic pain) là đau được khởi phát hay gây ra bởi một tổn thương ban đầu hoặc rối loạn chức năng hệ thần kinh.

Ðặc điểm của đau do căn nguyên thần kinh

Triệu chứng thường là đau liên tục kiểu bỏng rát, cảm giác nóng, rát, cường độ mạnh, đau nhói; đau cơn (kiểu điện giật); loạn cảm (như kiến bò, kim châm). Vùng đau thường vượt ra ngoài ranh giới của dây thần kinh bị tổn thương, theo kiểu “bít tất”. Có yếu tố tổn thương thần kinh trước đó, hiện tại thăm khám không có tổn thương thực thể. Khám lâm sàng thấy dấu hiệu giảm nhạy cảm (giảm cảm giác, vô cảm) hay dấu hiệu tăng cảm (tăng nhạy cảm đau do giảm ngưỡng kích thích, đau do đáp ứng quá mức với kích thích). Ngoài ra, bệnh nhân bị đau kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động hằng ngày, thay đổi về khẩu vị, rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến cảm xúc, giảm hoạt động tình dục, ảnh hưởng đến các mối quan hệ gia đình và xã hội, cuối cùng có thể dẫn đến trầm cảm.

Đau do căn nguyên thần kinh có thể dẫn đến trầm cảm. (Ảnh minh họa)

Các thuốc điều trị

Đau do căn nguyên thần kinh thường không nhạy cảm với các thuốc giảm đau thông thường. Điều trị hàng đầu bằng các thuốc có tác dụng trung ương như thuốc chống trầm cảm và thuốc chống co giật.
Thuốc chống trầm cảm


Thuốc chống trầm cảm được dùng điều trị trong một số hội chứng đau do căn nguyên thần kinh, đặc biệt là thần kinh ngoại vi.

Cơ chế giảm đau của các thuốc chống trầm cảm chưa được biết, nhìn chung liều dùng để điều trị đau thấp hơn liều điều trị trầm cảm, những kinh nghiệm lâm sàng và những nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả điều trị trong một số hội chứng đau mạn tính sau: đau do căn nguyên tâm lý (đau trầm cảm), đau kháng thuốc giảm đau; đau do nguyên nhân thần kinh, đặc biệt là thần kinh ngoại vi có nguồn gốc do chấn thương (tổn thương thần kinh, hiện tượng chi ma), do chuyển hóa (bệnh thần kinh do tiểu đường), do nhiễm trùng (đau sau Zona), do nhiễm độc (bệnh thần kinh do nghiện rượu, sau điều trị hóa chất chống ung thư) hay do xâm lấn (ung thư); đau trong viêm khớp; đau sợi cơ; đau nửa đầu Migraine.

Các thuốc hay dùng: amitriptylin (laroxyl, elavil), clomipramin (anafranil), tianeptin (stablon), sertralin (zoloft), duloxetine (cymbalta).

Thuốc chống co giật

Carbamazepin (tegretol) là thuốc trị động kinh và hướng thần. Dùng điều trị đặc hiệu đau dây thần kinh sinh ba (dây V). Chú ý: thuốc có thể gây dị ứng mạnh, không dùng cho phụ nữ có thai, không dùng cùng thuốc ức chế MAO và không được uống rượu khi sử dụng thuốc.

Khi carbamazepin không còn tác dụng, có thể phối hợp với: thuốc chống động kinh cổ điển (diphenylhydantoine, dihydan), thuốc chẹn beta (propranolol).

Gabapentin (neurontin) là thuốc dùng để điều trị động kinh cục bộ, còn được chỉ định trong điều trị các chứng đau do nguyên nhân thần kinh như: đau thần kinh do tiểu đường, đau thần kinh sau zona, đau dây V...

Pregabalin (lyrica): viên nang 75mg và 150mg, liều khởi đầu 150mg/ngày chia 2 lần. Có thể tăng liều lên 300mg/ngày sau 3-7 ngày dựa vào đáp ứng của bệnh nhân. Nếu cần thiết có thể tăng liều tối đa 600mg/ngày sau 7 ngày kế tiếp.

Một số phương pháp điều trị khác
Vật lý trị liệu


Đối với đau thần kinh tiên phát, các phương pháp vật lý trị liệu không được chỉ định điều trị vì bất kỳ một kích thích nào vào vùng đau đều có thể gây nên cơn đau kịch phát.

Đối với đau thần kinh thứ phát, có thể sử dụng một số phương pháp vật lý như: sóng ngắn chế độ xung liều không nóng để chống viêm, siêu âm, điện xung dòng TENS, điện di Iod, cũng có thể dùng châm cứu để giảm đau.

Điều trị ngoại khoa

Trường hợp ngoại lệ không điều trị bằng nội khoa được thì điều trị ngoại khoa. Như phẫu thuật cắt dây thần kinh sau hạch Gasser, cắt một phần và có chọn lọc, qua đường mổ vào vùng thái dương…


Cùng chuyên mục