Hậu COVID-19: Cẩn trọng với biến chứng giọng nói

Quỳnh Anh, icon
03:27 ngày 19/02/2022

VTV.vn - Bên cạnh nguy cơ tổn thương đa cơ quan, hậu COVID-19 còn có thể để lại những biến chứng về giọng nói.

Bệnh nhân đến khám hậu COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

Sau khi khỏi COVID-19, bệnh nhân có những thay đổi về giọng nói so với trước đây như khàn giọng, tiếng nói nhỏ hơn trước, nói bị hụt hơi, cần gắng sức để nói, đau khô cổ họng, thậm chí là gặp khó khăn khi nuốt. Theo các bác sĩ, đây chính là nguy cơ biến chứng giọng nói hậu COVID-19.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà (trú tại Hà Nội) cho biết: "Lúc bị COVID-19 thì tôi ho nhiều, nhiều hôm còn không nói được. Hiện tại, họng tôi không đau nhưng rát, nhiều đờm dẫn đến ngứa họng, ho nhiều. Còn cháu nhà tôi cũng ho, nhiều đờm, giọng lúc nào cũng ậm à ậm ừ".

Hậu COVID-19: Cẩn trọng với biến chứng giọng nói - Ảnh 1.

Hai mẹ con bệnh nhân đến khám hậu COVID-19 do ho nhiều, đau rát họng.

Ghi nhận tại phòng khám hậu COVID-19, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), theo các y bác sĩ, những tổn thường về đường hô hấp trên, đặc biệt là tai mũi họng và thanh quản là những trường hợp không phải hiếm gặp sau COVID-19. Nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng trong quá trình điều trị bệnh nhân có thể tổn thường đường hô hấp trên, thanh quản và vòm họng, đặc biệt ở các bệnh nhân khi mắc bệnh phải thở máy, thở oxy…

Bác sĩ Đinh Thế Tiến, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho biết: "Khi có các triệu chứng ho nhiều, người bệnh nên được tái khám để được nhận biết những tổn thương ở các cơ quan. Bởi vì càng ho nhiều thì tổn thương càng nặng hơn, có thể trở thành mạn tính, rất khó điều trị. Vì vậy, điều trị sớm chính là chìa khóa để có thể hồi phục lại như trước đây".

Hậu COVID-19: Cẩn trọng với biến chứng giọng nói - Ảnh 2.

Bác sĩ kiểm tra phim chụp của bệnh nhân.

Để phòng tránh và điều trị kịp thời, hạn chế nguy cơ tổn thương nặng hơn với biến chứng giọng nói hậu COVID, bác sĩ Đinh Thế Tiến khuyến cáo: "Với thời tiết như hiện nay, người dân nếu có mắc COVID-19 thì lập tức liên hệ y tế phường hoặc các bác sĩ gia đình để nhanh chóng điều trị kết thúc đợt COVID-19. Thứ hai là cần uống đủ nước, giữ ấm và ẩm cổ họng để tránh những kích ứng về đường họng. Thứ ba là các bài tập thở, thiền… cũng giúp cải thiện chức năng hô hấp, đồng thời cải thiện những triệu chứng về đường hô hấp. Cuối cùng là có thể sử dụng 1 số thuốc giảm ho, siro… giúp giảm triệu chứng, cắt được vòng xoắn bệnh lý của cơn ho. Thêm 1 điều nữa là các bác sĩ không khuyến cáo sử dụng kháng sinh mà không có chỉ định của bác sĩ".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục