Hơn 23.000 người tử vong do ung thư phổi: Những triệu chứng không thể bỏ qua

Văn Thành, icon
10:19 ngày 13/02/2021

VTV.vn - Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng thứ hai trong 10 loại ung thư thường gặp trên cả hai giới, chỉ sau ung thư gan.

Theo Bệnh viện K, năm 2020, Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong cho 23.797 người Việt. Cũng trong năm vừa qua, nước ta ghi nhận 26.262 ca mắc mới ung thư phổi. Ung thư phổi là căn bệnh đáng lo ngại, nhưng nếu phát hiện sớm thì bạn có thể được bác sĩ đưa ra các phương pháp điều trị hiệu quả hơn rất nhiều.

Ung thư phổi là loại ung thư thường gặp và ngày càng có xu hướng gia tăng. Gần đây, bệnh xuất hiện ở những người trẻ tuổi nhiều hơn, chiếm tỷ lệ 14,4% tổng số ung thư các loại tính chung trên toàn thế giới.

Ung thư phổi xảy ra khi các tế bào bình thường ở phổi biến đổi thành tế bào bất thường và không tuân theo sự kiểm soát của cơ thể. Ung thư phổi được chia ra thành hai loại chính là ung thư phổi không tế bào nhỏ (khoảng 80%) và ung thư phổi tế bào nhỏ (khoảng 20 %), trong đó ung thư phổi tế bào nhỏ tiến triển nhanh hơn. Ở Việt Nam, ung thư phổi là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở cả hai giới.

Triệu chứng của ung thư phổi là gì?

Ở giai đoạn sớm, bệnh thường không có triệu chứng. Ở giai đoạn muộn hơn, người bệnh có thể có các triệu chứng sau:

- Ho khan, ho máu, hay ho có đờm.

- Đau ngực.

- Khó thở.

- Khàn tiếng.

- Đau đầu (khi di căn não) hoặc phù mặt, cổ và tay (khi tĩnh mạch lớn ở ngực bị chèn ép)

Nếu khối u ở đỉnh phổi, người bệnh có thể có các triệu chứng sau:

- Đau ở tay, vai, hoặc cổ.

- Sụp mí mắt, nhìn mờ, nửa mặt bị đỏ.

- Yếu hoặc liệt tay.

Tất cả các triệu chứng trên có thể do các nguyên nhân khác ngoài ung thư phổi. Nhưng khi người bệnh có các triệu chứng trên, hãy đi khám tại các cơ sở chuyên khoa để được bác sĩ khám, tư vấn bệnh.

Hơn 23.000 người tử vong do ung thư phổi: Những triệu chứng không thể bỏ qua - Ảnh 1.

Bệnh ung thư phổi có những giai đoạn nào?

Chẩn đoán giai đoạn là cách mà các bác sĩ xem tế bào ung thư lan tới đâu trong cơ thể người bệnh. Quyết định chọn lựa phương pháp điều trị phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn bệnh, loại ung thư, tuổi và tình trạng sức khỏe khác của người bệnh. Ung thư phổi được chia ra hai loại chính là ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ. Mỗi loại được chẩn đoán giai đoạn hoàn toàn khác nhau.

Đối với ung thư phổi không tế bào nhỏ, có 4 giai đoạn:

Giai đoạn 1: U nhỏ dưới 5 cm chỉ ở một bên phổi, chưa lan ra ngoài phổi và hạch bạch huyết (hạch bạch huyết bao gồm các hạch hình bầu dục có chức năng bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng)

Giai đoạn 2: Ung thư đã lan ra hạch bạch huyết cùng bên với tổn thương hoặc u đã có kích thước từ 5 đến 7 cm

Giai đoạn 3: Ung thư đã lan ra hạch bạch huyết ở trung thất (giữa hai lá phổi) hoặc kích thước u trên 7 cm

Giai đoạn 4: Ung thư đã lan ra các cơ quan khác ngoài nhu mô phổi như não, xương, gan, màng phổi gây tích tụ dịch trong lồng ngực (tràn dịch màng phổi).

Đối với ung thư phổi tế bào nhỏ, chỉ có 2 giai đoạn:

Giai đoạn bệnh khu trú: khi u chỉ khu trú ở một bên phổi

Giai đoạn bệnh lan tràn: khi ung thư đã lan sang phổi bên đối diện hoặc các cơ quan khác như não, gan, xương…

Ung thư phổi có phòng ngừa được không?

Cách tốt nhất để phòng ngừa ung thư phổi là không hút thuốc lá, do người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn rất nhiều (khoàng 20 lần) so với người không hút thuốc lá. Nếu bạn vẫn còn hút thuốc, hãy bỏ thuốc vì chúng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.

Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung nhiều vitamin, rau xanh, củ quả; đặc biệt xây dựng bài tập, vận động, sinh hoạt cá nhân hợp lý sẽ giúp bạn phòng ngừa căn bệnh này và đừng quên tầm soát ung thư phổi hàng năm để kiểm tra, phát hiện và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục