Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao, phổi

Hoàn Lê (CDC Đồng Nai), icon
04:04 ngày 30/04/2022

VTV.vn - Trung bình mỗi ngày, Phòng khám bệnh lao của Bệnh viện Phổi Đồng Nai khám cho từ 30 - 40 bệnh nhân. Trong đó, có khoảng 1/3 bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh lao.

Bệnh nhân đến khám bệnh lao phổi tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai.

Ông N.V.H., (65 tuổi, trú tại xã Long Hưng, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết: Năm 15 tuổi, ông theo bạn bè tập tành hút thuốc lá. Ban đầu là 1 điếu, vài điếu, sau đó đến 1 gói, 2 gói thuốc lá/ngày. Có những thời điểm hút 3 - 4 gói thuốc lá/ngày.

Cách đây 5 năm, ông H. cảm thấy sức khỏe có những dấu hiệu bất thường. Càng ngày, ông ho càng nhiều, ho ra máu và không thể làm được những công việc nặng như trước kia. Ông đến bệnh viện khám và được chẩn đoán bị bệnh lao phổi, được kết nối điều trị.

Sau mỗi đợt thuốc, ông lại tiếp tục đến bệnh viện để lĩnh thuốc, có khi phải nhập viện để điều trị do bệnh tiến triển nặng.

Trong khi đó, ông P.T.T., (70 tuổi, trú tại phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) đã có thâm niên 7 năm chữa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ông cho hay: Căn bệnh này đã khiến ông nhiều lần phải nhập viện cấp cứu trong đêm do không thở được.

Khi được hỏi về nguyên nhân gây bệnh, ông cho biết: Ông từng hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm. Mãi đến khi phải đi cấp cứu do không thở được cách đây vài năm, ông mới chịu bỏ thuốc lá, thuốc lào.

"Những năm qua, tôi liên tục phải đến bệnh viện để tái khám, lấy thuốc. Có thời điểm bệnh tiến triển xấu phải nằm viện nửa tháng để điều trị. Tại bệnh viện, tôi thấy có nhiều người cũng vì hút thuốc lá, thuốc lào mà bị phổi tắc nghẽn mạn tính, có người còn phải thở oxy, thở máy. Thay vì gói thuốc lá như trước kia, nay trong túi áo của tôi lúc nào cũng phải mang theo ống hít và thuốc để khi nào khó thở là lại lấy ra dùng. Tôi thấy ân hận vì đã hút thuốc lá quá nhiều, vừa hại sức khỏe lại vừa tốn tiền" - ông T. bộc bạch.

Bác sĩ La Văn Mạnh, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phổi Đồng Nai cho biết: Hút thuốc lá là 1 trong những nguyên nhân chính gây các bệnh lao, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, tim mạch.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy, ở những người hút thuốc lá, vi khuẩn lao có nguy cơ phát triển gấp 2 lần so với những người không hút thuốc lá. Điều đó đồng nghĩa với việc, người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh lao cao gấp 2 lần so với người không hút thuốc lá.

Theo bác sĩ Mạnh, nguyên nhân là do các loại hóa chất có trong thuốc lá tác động lên cơ thể làm suy giảm khả năng tiết dịch trên bề mặt của khí quản, làm suy giảm chức năng hô hấp và sự phát triển của các đại thực bào phổi, làm giảm khả năng tự hủy diệt các khối u của đại thực bào phổi. Vi khuẩn lao sẽ làm cho hệ miễn dịch trong cơ thể bị yếu đi.

Đối với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể điều trị được nhưng không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Mục tiêu của điều trị là giảm triệu chứng, đặc biệt trong các đợt cấp của bệnh như giảm khó thở, đỡ ho khạc đờm, hết sốt, đờm về màu trắng. Người bệnh cần duy trì thuốc hít, xịt đều đặn để giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng, giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế do bệnh gây ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục