Hút thuốc lá thụ động nguy hại hơn cả trực tiếp hút thuốc

Thiên Thanh, icon
01:41 ngày 29/11/2023

VTV.vn - Người không hút thuốc nhưng thường xuyên sống, làm việc trong môi trường có khói thuốc lá cũng mắc các bệnh như người hút thuốc, thậm chí nghiêm trọng hơn.

Người dân thản nhiên hút thuốc ngay trong khuôn viên bệnh viện.

Khói thuốc lá chứa nhiều chất độc hại

Mỗi ngày, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tiếp nhận trên 100 ca bệnh đến khám và nhập viện. Đáng nói, đa phần bệnh nhân đến khám ở đây có tiền sử hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động.

Theo BS.CKI Lê Quốc Khánh – Phó Trưởng Khoa Hô hấp, nhiều ca bị bệnh phổi và đường hô hấp mạn tính như viêm phổi, tắc nghẽn phổi, hen suyễn, viêm phế quản… không hề hút thuốc lá. Thế nhưng qua thu thập thông tin về thói quen sinh hoạt và tiền sử gia đình, phát hiện bệnh nhân thường xuyên phải ngửi khói thuốc do trong nhà hoặc nơi làm việc có người hút thuốc lá.

Hút thuốc thụ động là hít phải khói thuốc từ điếu thuốc đang cháy hoặc khói thuốc do người hút phả ra. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa chất độc nhiều gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Người không hút thuốc nhưng thường xuyên sống và làm việc trong môi trường có khói thuốc có thể hít vào lượng khói thuốc tương đương với hút 5 điếu thuốc một ngày. Trẻ em chỉ cần một giờ trong phòng có người hút thuốc cũng đã hấp thụ số hóa chất độc hại tương đương hút 10 điếu thuốc một ngày. Khói thuốc gây ảnh hưởng trong phạm vi 7-10m. Do đó, ngay cả khi ở xa người hút thì người hít phải khói thuốc lá thụ động vẫn gặp những nguy cơ về sức khỏe.

BSCKI. Thái Bá Thủy, Khoa Hô hấp cho biết, khói thuốc thụ động chứa hàng nghìn hóa chất, trong đó có ít nhất 250 chất độc hại và chất gây ung thư, tiêu biểu như: asen, benzen, ammonia, nicotine, dioxine. Người không hút thuốc nhưng thường xuyên sống, làm việc trong môi trường có khói thuốc lá cũng mắc các bệnh như người hút thuốc, thậm chí là nghiêm trọng hơn. Bởi lẽ, với người hút thuốc lá trực tiếp, khói thuốc trước khi vào phổi có đi qua đầu lọc, còn với người hút thụ động thì hít phải khói trực tiếp từ đầu điếu thuốc đang cháy và từ cả người hút phả ra.

Hút thuốc lá thụ động gây nhiều bệnh nguy hiểm

Theo BSCKI. Thái Bá Thủy, hút thuốc lá thụ động có thể gây ra khoảng 25 bệnh, phổ biến là: ung thư, tim mạch, bệnh hô hấp và ảnh hưởng sức khỏe sinh sản. Đặc biệt, hút thuốc lá thụ động làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi lên 30% và bệnh tim mạch lên 25%. Riêng hệ hô hấp, khói thuốc lá thụ động gây các bệnh như: viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản. Nếu tiếp xúc khói thuốc thụ động lâu ngày thì có thể dẫn đến viêm phổi, lao phổi, ung thư phổi.

Người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn khi hít phải khói thuốc thụ động vì đây là những đối tượng có sức đề kháng kém.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ làm tăng tỷ lệ mắc viêm phế quản, viêm phổi và viêm tai giữa; tăng các triệu chứng hô hấp mãn tính như hen; giảm sự phát triển chức năng phổi; tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.

Phụ nữ mang thai thường xuyên hút thuốc lá thụ động có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu, tăng huyết áp, vỡ ối sớm. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ mà khói thuốc còn ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi, gây ra một số dị tật thai nhi, trẻ có nguy cơ sinh non, bị nhẹ cân hoặc mắc các bệnh về đường hô hấp.

Các trường hợp hút thuốc lá thụ động là người lớn sẽ có khả năng cao đối mặt với bệnh lao phổi, suy tim, xơ vữa động mạch, ung thư (ung thư phổi, ung thư vú, ung thư vòm họng...).

Ngưng hút thuốc vì sức khỏe bản thân và cộng đồng

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm, trên thế giới có khoảng 600.000 ca tử vong do hút thuốc thụ động. Trong đó, 64% là nữ. Ước tính, cứ 10 người hút thuốc tử vong thì 1 người chết vì hít khói thuốc thụ động.

BSCKI. Thái Bá Thủy khuyến cáo: Tốt nhất, người dân nên ngưng hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh. Trường hợp bị nghiện thuốc lá chưa thể bỏ hẳn được thì nên hạn chế hút thuốc lá trong phòng kín và chỉ nên hút tại những không gian cho phép hút thuốc lá. Khi cai thuốc lá thì nên tìm đến bác sĩ để được hỗ trợ và có những loại thuốc giúp cai thuốc lá hiệu quả.

Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2013 đã quy định rõ các địa điểm cấm hút thuốc lá. Trong đó, các khu vực cấm hút thuốc lá hoàn toàn là: Cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao; khu vực trong nhà các nơi công cộng. Tuy nhiên, việc thực thi các chế tài vẫn còn hạn chế nên tình trạng hút thuốc lá tại những nơi cấm hút thuốc vẫn diễn ra. Vì vậy, người dân cần hiểu được những tác hại của việc hút thuốc lá trực tiếp cũng như thụ động. Từ đó, tích cực tuyên truyền, vận động mọi người nâng cao ý thức, không hút thuốc lá tại nơi đông người, tiến tới bỏ hẳn thuốc lá để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục