Khăn giấy lạc vào khí quản, một bệnh nhân suýt nguy kịch

Đ.Huyền - Thúy Diễm, icon
11:11 ngày 20/07/2023

VTV.vn - Thường xuyên dùng khăn giấy se lại thành sợi để lấy dịch tại lỗ mở khí quản ngay cổ, nam bệnh nhân D.V.N, 44 tuổi, địa chỉ ở Hậu Giang bị suy hô hấp suýt nguy kịch.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phối hợp cùng lúc các bác sĩ nhiều chuyên khoa nội soi thành công dị vật là đoạn khăn giấy (được se nhỏ) dài 15cm rớt trong lòng phế quản ở bệnh nhân có mở khí quản.

Bệnh nhân hiện tại và hình ảnh thu được khi nội soi phế quản. Ảnh: BVCC

Nam bệnh nhân D.V.N., 44 tuổi, địa chỉ ở Hậu Giang được chẩn đoán ung thư sàn miệng, ung thư khí quản khoảng 3 năm. Cách đây 20 ngày, bệnh nhân đã được phẫu thuật mở khí quản (canyun) và đã được xuất viện.

Tại nhà, bệnh nhân thường xuyên bị tăng tiết dịch tại lỗ mở khí quản, nên người nhà có thói quen sử dụng khăn giấy vuông se lại thành sợi dài đưa vào lổ mở khí quản phía trước cổ để lấy dịch tiết giúp bệnh nhân dễ thở hơn, việc này đã được thực hiện nhiều lần.

Đến ngày 19/7/2023, trong 1 lần áp dụng phương pháp lấy dịch từ lõi khăn giấy như trên, bệnh nhân bị ho nên đoạn khăn giấy bị tụt sâu xuống phế quản không thể lấy ra, kèm khó thở nhiều, kích thích, thở nhanh, co kéo cơ hô hấp nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Tại đây, bệnh nhân nhanh chóng tiến triển suy hô hấp. Do lỗ mở khí quản nhỏ, không thể thực hiện nội soi, các bác sĩ quyết định thay canyun khí quản 2 nòng cải tiến với kích thước lớn hơn. Sau đó, thực hiện nội soi phế quản ống mềm, nhận thấy có dị vật là đoạn giấy dài chèn bít phần lớn lòng phế quản phải. Do dị vật là giấy, sau thời gian thấm dịch ở đường thở, giấy đã mềm, việc lấy ra rất khó khăn. Sau gần 1 giờ nỗ lực, ekip nội soi đã lấy thành công dị vật là đoạn khăn giấy (được se lại) kích thước khoảng 0.5 x 15cm.

Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân ổn định, phổi thông khí tốt, không còn triệu chứng kích thích hô hấp, đang được chăm sóc và theo dõi tại Khoa Nội Hô hấp, dự kiến ra viện trong vài ngày tới.

Lỗ mở khí quản (canyun) là một đường thông khí đưa không khí đi vào thẳng khí quản mà không qua đường mũi họng. Lỗ thở này có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn. Đây là một quy trình phẫu thuật cắt một vết nhỏ ở khí quản phía trước cổ để đưa ống thông vào. Bác sĩ CK.II  Lâm Chánh Thi - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thông tin: Đối với trường hợp chăm sóc lỗ mở khí quản cho người bệnh tại nhà, cần lưu ý những vấn đề sau:

- Vệ sinh chân canyun 1 lần/ngày hoặc khi ướt.

- Kiểm tra vị trí ống mở khí quản, kiểm tra dây cột mở khí quản, tái khám ngay nếu ống mở khí quản bị tụt hoặc rơi ra ngoài.

- Kiểm tra màu sắc, tính chất đờm dãi trong ống mở khí quản, tái khám ngay nếu đờm nhớt tăng. Nếu nghi ngờ tắc/nghẹt ống, đối với ống mở khí quản 2 nòng, thì ngay lập tức rút lòng trong ống mở khí quản ra (lòng ngoài giữ nguyên ở khí quản), giúp thông đường thở ngay lập tức; thao tác này không thực hiện được đối với mở khí quản 1 nòng.

- Che lỗ mở khí quản bằng một miếng gạc ẩm để tránh bụi hoặc dị vật rơi vào đường thở.

- Vệ sinh tay người chăm sóc trước và sau khi thực hiện các công việc chăm sóc canyun cho người bệnh.

- Khi ngủ tránh để chăn hoặc ga giường chèn vào canyun.

- Khi tắm nên che chắn lỗ thở, tránh nước bắn vào đường thở gây ho, sặc hoặc ngạt thở.

- Không tiếp xúc với khói thuốc, không khí ô nhiễm, người bị bệnh cúm hay các bệnh truyền nhiễm khác.

- Luyện tập vận động nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe.

Bệnh nhân có lỗ mở khí quản cần đến ngay cơ sở y tế nếu nhận thấy có những dấu hiệu bất thường như: Khó thở, sốt cao, ho nhiều, đờm dãi tăng nhiều hoặc có lẫn máu, mủ vùng da xung quanh lỗ mở khí quản bị sưng, nóng, đỏ, đau, chảy máu, mủ,…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục