Khó khăn trong chăm sóc, điều trị COVID-19 cho bệnh nhân tâm thần

Mai Liên (CDC Đồng Nai), icon
08:30 ngày 28/12/2021

VTV.vn - Là những bệnh nhân đặc thù vừa bị bệnh tâm thần vừa nhiễm COVID-19 nên việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân của các y, bác sĩ cũng gặp nhiều khó khăn.

Nhân viên y tế kiểm tra cho một bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại khu điều trị C2. Ảnh: CDC Đồng Nai

Ổ dịch COVID-19 tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) được phát hiện vào cuối tháng 8/2021, số bệnh nhân cao nhất vào lúc này gần 300 người. Để cách ly, điều trị cho những bệnh nhân tâm thần nhiễm COVID-19, bệnh viện đã trưng dụng Khu C2 và Khoa Nhi làm nơi thu dung và điều trị. Đến nay, chỉ còn một số ít bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang được điều trị.

Do là những bệnh nhân đặc thù, nên các y, bác sĩ tại đây luôn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, bởi bệnh nhân ở đây ít khi đeo khẩu trang, thậm chí giật đồ bảo hộ của nhân viên y tế, gây rối trong khu điều trị…

Khó khăn trong chăm sóc

Trở về sau thời gian hỗ trợ điều trị COVID-19 tại bệnh viện dã chiến ở TP Hồ Chí Minh, BSCKII. Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 lại vào điều trị cho bệnh nhân tại Khu C2.

Dù đã có thời gian điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở các bệnh viện dã chiến và được tập huấn các phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân tâm thần, bác sĩ Thịnh cũng gặp những khó khăn nhất định. Đó là họ đều trong tình trạng mất hoặc giảm năng lực điều khiển hành vi dẫn đến khó tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch thông thường như biện pháp 5K, vệ sinh cá nhân kém, khó chấp hành y lệnh của thầy thuốc.

"Việc đeo khẩu trang với họ hầu như không có, chỉ khi nào các y bác sĩ nhắc nhở họ mới đeo, nhưng sau đó lại bỏ ra. Những bệnh nhân ở đây họ có những hạn chế nhất định cho nên rất khó khăn để sớm phát hiện những triệu chứng bất thường như những bệnh nhân bình thường khác. Sự tiếp nhận thông tin về dịch bệnh của họ hầu như không có..." - bác sĩ Thịnh chia sẻ.

Khó khăn trong chăm sóc, điều trị COVID-19 cho bệnh nhân tâm thần - Ảnh 1.

Điều dưỡng Ngọc đo huyết áp cho một bệnh nhân. Ảnh: CDC Đồng Nai

Bệnh nhân ở đây là những đối tượng dễ bị tổn thương, điều trị dài ngày, phần lớn trong số họ đều trong tình trạng nuôi dưỡng kém, chế độ ăn thấp kéo dài nhiều năm (27.000 đồng/ngày) đến tháng 7/2021 được nâng lên 48.000 đồng/ ngày, dẫn đến việc nhiều người bị suy dinh dưỡng, sa sút về mặt tinh thần lẫn thể trạng. Bên cạnh đó, một số bệnh nhân không có người thân, bị gia đình bỏ rơi, không nơi nương tựa sống hoàn toàn phụ thuộc vào nuôi dưỡng của bệnh viện.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Bích Ngọc, Khoa Nhi cho biết: Chị đã tham gia hỗ trợ các bệnh viện dã chiến ở TP. Hồ Chí Minh từ tháng 8, do đã từng trải qua chăm sóc bệnh nhân COVID-19, lấy mẫu bệnh phẩm, trực cấp cứu, xử lý hồ sơ của bệnh nhân ở TP. Hồ Chí Minh nên đã tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm, kiến thức bổ ích để thực hiện tốt công tác chăm sóc bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19 tại bệnh viện.

"Chăm sóc người bị tâm thần đã khó, nay họ mắc COVID-19 nữa lại càng khó khăn hơn. Mỗi khi vào thăm khám, bệnh nhân la hét, chửi mắng, đang ăn thì phun đồ ăn lên người, nhiều khi còn giật cả đồ bảo hộ của nhân viên y tế. Vì vậy, ngoài trang bị đồ bảo hộ, y, bác sĩ mỗi lần vào thăm khám phải dán thêm một lớp băng keo dính để cho chắc chắn hơn. Chúng tôi làm hết tất cả mọi việc từ chăm sóc, thuốc men, cả vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân" - điều dưỡng Ngọc cho hay.

Ưu tiên điều trị COVID-19

Theo bác sĩ Thịnh, do đây là những bệnh nhân đặc thù nên chăm sóc cũng phải đặc thù, những lúc thăm khám cần nhẹ nhàng lắng nghe, tâm sự và trấn an để họ bình tĩnh hợp tác hơn. Tuy vậy, đôi lúc cần phải cố định bệnh nhân để cho họ uống thuốc.

Nhiều bệnh nhân tâm thần không đeo khẩu trang, khi tiếp xúc với nhân viên y tế thường có thói quen tháo khẩu trang. Đặc biệt, khi được lấy mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm, có bệnh nhân khó chịu, ho, hắt hơi, dịch văng ra ngoài gây nguy cơ lây nhiễm cao cho nhân viên y tế.

Khó khăn trong chăm sóc, điều trị COVID-19 cho bệnh nhân tâm thần - Ảnh 2.

Tiêm vaccine cho bệnh nhân tâm thần.

Bác sĩ Trần Thị Mây, Khoa Cấp cứu phụ trách khu điều trị bệnh nhân tầng 2 cho biết: "Bệnh nhân tâm thần vừa cùng lúc uống thuốc điều trị tâm thần, vừa uống thuốc điều trị COVID-19, sẽ có những tác dụng phụ nhất định. Thuốc điều trị tâm thần có thể làm giảm một số chức năng về hô hấp… Vì vậy, sau khi thăm khám, biết chỉ số xét nghiệm COVID-19, chỉ số SpO2, nhịp thở…y, bác sĩ ưu tiên điều trị COVID-19 cho bệnh nhân. Khi những chỉ số liên quan đến COVID-19 đã ổn định, thì bệnh nhân tiếp tục điều trị song song 2 bệnh. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có chuyển biến nặng bệnh viện sẽ liên hệ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất và Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để chuyển tuyến điều trị kịp thời".

Bệnh tâm thần thường không trực tiếp gây tử vong, trừ khi họ tự sát. Do đó, với bệnh nhân tâm thần là F0 thì phải ưu tiên điều trị COVID-19 như những bệnh nhân khác, song song với việc điều trị các rối loạn về tâm thần và giám sát, tránh để bệnh nhân kích động gây nguy hiểm cho chính bản thân và người xung quanh.

BSCKII. Võ Thành Đông, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương II cho hay: "Đến nay, tất cả nhân viên y tế của bệnh viện đã được tiêm mũi 3, bệnh nhân đã được tiêm mũi 2 vaccine phòng COVID-19. Cho nên, những người dương tính ở thời điểm này đều có những triệu chứng nhẹ, một số bệnh nhân 14 ngày đã cho kết quả âm tính".

Tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương II, có 2 khu thu dung điều trị COVID-19 cho 4 đối tượng: Nhân viên y tế của bệnh viện, bệnh nhân của bệnh viện, bệnh nhân tâm thần ở cộng đồng mắc COVID-19 và bệnh nhân COVID-19 ở ngoài cộng đồng có rối loạn tâm thần. Bệnh viện còn thu dung một số bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19 của các tỉnh lân cận.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục