Khởi động chương trình quốc gia dự phòng trước phơi nhiễm HIV

P.V, icon
08:57 ngày 01/12/2018

VTV.vn - Từ tháng 12 này, chương trình quốc gia dự phòng nhiễm HIV bằng thuốc Prep chính thức được triển khai tại 11 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Nhân ngày Thế giới Phòng chống HIV/AIDS năm nay 1/12/2018, tại TP.HCM, Bộ Y tế Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và PATH, một tổ chức phi chính phủ toàn cầu về y tế vừa công bố triển khai dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) trên toàn quốc.

Theo cục phòng chống HIV/AIDS, tính đến nay Việt Nam có hơn 250 ngàn người nhiễm HIV. Tuy nhiên trong số này có khoảng 50 ngàn người không biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng còn cao. Dự phòng là chiến lược mà Việt Nam mong muốn giảm mạnh số ca nhiễm HIV mới. Cùng với các biện pháp tuyên truyền về bao cao su, sau thời gian thí điểm tại TP.HCM, từ tháng 12 này, chương trình quốc gia dự phòng nhiễm HIV bằng thuốc prep chính thức được Cục phòng chống HIV/AIDS phối hợp cùng Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ triển khai tại 11 tỉnh, thành phố trong cả nước.

PGS.TS Phan Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS cho biết: các nghiên cứu khoa học trên thế giới cho rằng những người sử dụng Prep sử dụng liên tục, đúng cách trong vòng hai tuần thì có thể đạt hiệu quả tối đa qua đường tình dục. Đối với người tiêm chích ma túy cũng khống chế tốt trong vòng hai tuần. Điều này thì rất là tốt và phù hợp với tình hình của Việt Nam.

Sau 1 năm thí điểm tại TPHCM đã có 2 ngàn người sử dụng Prep.

Tuy nhiên hiện nay chương trình này còn mới tại Việt Nam. Đồng thời người sử dụng vẫn còn chịu chi phí khi sử dụng loại thuốc này.

Tiến sĩ Kimberly Green - Giám đốc dự án USAID/PATH Healthy Markets cho rằng: phải tìm ra một cơ chế hỗ trợ cho những người có nhu cầu và thực sự muốn nhưng họ không đủ chi trả. Trong thời gian hai năm tiếp theo thì thông qua USAID và CDC thì dự án vẫn tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Việt Nam.

Hiện Thái Lan và Việt Nam đang phát triển chương trình này tại Châu Á. Trong hai năm nữa 11 tỉnh thành phố sử dụng loại thuốc. Số lượng người tiếp xúc với thuốc này dự kiến gấp 4 lần hiện tại. Các tổ chức quốc tế đánh giá nếu làm tốt công tác dự phòng, Việt Nam sẽ có tiền đề kết thúc AIDS vào 2030.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục