Không chủ quan với thủng loét dạ dày, tá tràng ở trẻ

Mai Chi, icon
06:28 ngày 07/12/2023

VTV.vn - Thủng ổ loét dạ dày – tá tràng thường gặp nhất ở độ tuổi từ 30-50 tuổi, tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện ở một số người tuổi trẻ tuổi, đặc biệt là trẻ em.

Mới đây, Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai tiếp nhận trường hợp bệnh nhi N.H. (13 tuổi, trú tại TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai), tiền sử viêm loét dạ dày, nhập viện với lý do đau bụng vùng thượng vị đã nhiều ngày, mức độ tăng dần, có dấu hiệu mất máu trong đường tiêu hóa.

Qua thăm khám lâm sàng và kết quả thực hiện cận lâm sàng như: nội soi, siêu âm, X-quang, các bác sĩ xác định em bị viêm phúc mạc do thủng ổ loét dạ dày - tá tràng trên nền thiếu máu mạn. Bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật nội soi cấp cứu để khâu lỗ thủng dạ dày.

Tuy nhiên, trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ nhận thấy ổ bụng bệnh nhi có dịch và phát hiện lỗ thủng ở hành tá tràng với kích thước lớn khoảng 2,5 cm. Vì vậy, các bác sĩ đã quyết định chuyển qua mổ mở để khâu lỗ thủng dạ dày.

Ngoài ra, bệnh nhi bị mất máu mạn tính do viêm loét dạ dày lâu ngày nên ekip phải chỉ định truyền bù 2 đơn vị máu sau mổ. Sau 5 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi ổn định, không sốt, ăn uống được, vết mổ khô, bụng mềm không chướng, đại tiểu tiện bình thường và đã được xuất viện. Tuy nhiên, cần tiếp tục điều trị bệnh lý viêm loét dạ dày.

Theo BSCKI. Đặng Đức Hoàng, Trưởng Khoa Ngoại tổng quát, thủng dạ dày là một bệnh lý cấp cứu trong ngoại khoa. Nếu không được can thiệp kịp thời, nhiễm trùng có thể xâm nhập vào máu gây sốc, làm tổn thương toàn bộ các cơ quan khác của cơ thể và có thể gây tử vong. Hiện nay, tình trạng viêm loét và thủng ổ loét dạ dày - tá tràng đang có xu hướng trẻ hóa do thói quen ăn uống thiếu khoa học, như: ăn nhiều đồ chua, cay, nóng, đồ ăn nhanh, áp lực trong học tập, thức khuya, stress…

Thủng dạ dày ở trẻ em hiếm gặp nên rất dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý cấp tính khác như: viêm ruột thừa, lồng ruột, tắc ruột, viêm túi mật, viêm tụy... Trẻ thường biểu hiện bằng triệu chứng đau bụng dữ dội, nôn, có thể vật vã kích thích, tím tái. Nếu trẻ không được cấp cứu kịp thời có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Bác sĩ Hoàng cũng khuyến cáo: Mặc dù thủng dạ dày tương đối ít gặp ở lứa tuổi này, tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học cho trẻ. Khi trẻ có biểu hiện đau bụng vùng thượng vị hoặc xung quanh rốn, cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, giúp giảm thiểu tối đa biến chứng. Khi bị viêm loét dạ dày phải điều trị dứt điểm, không được chủ quan lơ là sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe… Bệnh dạ dày, tá tràng thường khó chẩn đoán chính xác, nếu điều trị nội khoa mà bệnh tái diễn nhiều lần thì nên nội soi dạ dày để xác định và điều trị triệt để.

Trẻ em khi bị viêm loét dạ dày, các triệu chứng lâm sàng thường không giống người lớn, thời gian tiến triển bệnh cũng khác nên dễ bị chẩn đoán nhầm. Trẻ có thể đau bụng trước hoặc sau bữa ăn, đau về đêm, đôi khi là đau bất thường không có thời điểm cố định. Bệnh nếu không được điều trị, hoặc điều trị sai sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như dễ gây loét sâu, xuất huyết tiêu hóa, thậm chí gây thủng dạ dày, đặc biệt là biến chứng gây hẹp môn vị… Về lâu dài, bệnh tiến triển mạn tính, ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất cũng như tinh thần của trẻ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục