Không lạm dụng thiết bị test nhanh COVID-19

Mỹ Hạnh (Sở Y tế Đắk Lắk), icon
12:35 ngày 07/03/2022

VTV.vn - Với sự gia tăng số ca mắc COVID-19 thời gian gần đây, nhiều người khá lo lắng nên đã tự mua test nhanh COVID-19 để sử dụng cho bản thân và gia đình.

Anh N.P.V., làm việc tại một cơ quan hành chính trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Từ sau dịp Tết Nguyên đán, số mắc COVID-19 tăng mạnh, xung quanh anh V. toàn những người F1, F0. Thế nên anh V. đã đặt mua 50 kít test nhanh COVID-19 về test hàng ngày cho những người thân trong gia đình.

Mỗi lần test cho người thân, do không thận trọng nên có hôm thì làm chảy máu mũi, có hôm đứa con gái út 3 tuổi phải khóc thét lên vì đau. Nhưng vì để cho yên tâm, anh V. vẫn tiếp tục test hàng ngày.

Tương tự, chị T.T.H., (TP. Buôn Ma Thuột) là tiểu thương tại chợ ở Buôn Ma Thuột. Với tâm trạng lo lắng chung vì dịch bệnh, cứ 2 ngày 1 lần, chị H. đều test nhanh cho toàn bộ người thân trong nhà.

"Do ở trong môi trường thường xuyên tiếp xúc nhiều người, thế nên trong nhà tôi lúc nào cũng dự phòng kit test nhanh COVID-19 để test cho người thân. Giờ ra ngoài đường F0 nhiều hơn cả F1, thế nên dù có tốn kém tôi cũng thực hiện để cho yên tâm" - chị H. cho hay.

Hiện nay, trước tình hình F0 tăng cao trong cộng đồng khiến người dân lo lắng bản thân bị lây nhiễm sau khi tiếp xúc ca bệnh. Từ tâm lý này, nhiều người test nhanh ngay khi tiếp xúc F0 hoặc test liên tiếp nhiều ngày. Việc sử dụng kit test không hợp lý dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng, hàng bị đẩy giá lên cao.

Theo bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, do F0 tăng mạnh từ thời điểm sau Tết Nguyên đán nên nhiều người quá hoang mang dẫn đến việc mua kit về nhà để test hằng ngày, thậm chí không có tiếp xúc với F0 cũng thực hiện test nhanh. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu test nhanh ngay sau khi tiếp xúc với F0 cũng không cho kết quả chính xác mà phải có thời gian nhất định để virus nhân lên, ít nhất là sau tiếp xúc với F0 từ 2 đến 3 ngày thì xét nghiệm mới cho kết quả chính xác.

Việc test nhanh COVID-19 chỉ nên thực hiện khi có một trong các triệu chứng, như: sốt, ho, rát họng, mệt mỏi cơ, đau vai gáy, hoặc khó thở. Còn khi đã bị F0 rồi thì trong quá trình điều trị nếu triệu chứng nhẹ, trung bình thì chỉ dùng những loại thuốc điều trị triệu chứng thông thường và chỉ nên xét nghiệm vào ngày thứ 7. Nếu ngày thứ 7 đã âm tính thì hết giai đoạn cách ly (với bệnh nhân đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine).

"Việc lạm dụng test nhanh dẫn đến không những tốn kém, lãng phí mà còn gây ô nhiễm môi trường. Khi người dân tự test, mắc COVID-19 sẽ không biết cách xử lý rác thải y tế, gây lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Do đó, chỉ những ca có triệu chứng COVID-19 cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa thì mới nên test nhanh, để tránh lãng phí bộ kit, nhất là trong tình trạng khan hiếm như hiện tại" - bác sĩ Phúc khuyến cáo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục