Làm gì khi biết con mình mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ?

Văn Thành, icon
01:33 ngày 30/07/2020

VTV.vn - Rối loạn phổ tự kỷ là một tập hợp các rối loạn phát triển lan tỏa ở mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, khởi phát sớm từ khi trẻ trước 3 tuổi và diễn biến kéo dài.

Hình minh họa.

Theo các bác sĩ Khoa Thần kinh - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, rối loạn tự kỷ trẻ em được cho là bệnh lý của não vì có rối loạn phát triển thần kinh (như có thay đổi cấu trúc tiểu não, thùy trán, thùy thái dương, thiếu hụt hoạt hóa cấu tạo lưới, bất thường về sinh hóa thần kinh) do có những gen bất thường. Tuy nhiên, những vấn đề nêu trên vẫn đang là giả thuyết.

Tỷ lệ chẩn đoán trẻ mắc tự kỷ trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên với tần suất gặp 1/100 trẻ, trong đó tự kỷ điển hình chiếm 16,8%. Trẻ trai bị nhiều hơn trẻ gái từ 4 đến 6 lần.

Biểu hiện chung của rối loạn phổ tự kỷ bao gồm những khiếm khuyết trong 3 lĩnh vực là kém tương tác xã hội, kém giao tiếp và hành vi bất thường. Bên cạnh đó, trẻ thường có rối loạn cảm giác. Nhiều trẻ tự kỷ có kèm theo tăng động và trí tuệ kém.

Cho đến nay, tự kỷ vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân cũng như chưa có thuốc chữa trị dứt điểm. Bởi thế, nếu một phụ huynh nhận thức rõ bản chất của "tự kỷ" thì việc con mình được xác định mắc chứng này quả là một "tin dữ" không dễ chấp nhận. Tâm lý của phụ huynh khi đón nhận chẩn đoán tự kỷ của con có thể sẽ diễn ra theo tiến trình 5 giai đoạn sau đây:

Chối bỏ: Ban đầu phụ huynh sẽ không chấp nhận chẩn đoán của bác sĩ và có xu hướng đưa con đến nhiều cơ sở y tế khác để khám với hy vọng có một chẩn đoán khác. Nhiều phụ huynh cho rằng con mình vẫn chạy nhảy bình thường nên sẽ không mắc tự kỷ vì nghĩ rằng trẻ tự kỷ phải "ngồi yên một chỗ" mà không biết rằng, một trẻ tự kỷ vẫn có thể có các biểu hiện lăng xăng, hiếu động.

Giận dữ: Sau giai đoạn chối bỏ ban đầu, khi trở về với những dấu hiệu chậm giao tiếp, kém tương tác nơi con, nhiều phụ huynh sẽ có cảm xúc giận dữ. Ba mẹ có thể đổ lỗi, quy trách nhiệm cho nhau hoặc cho ông bà, người nuôi dưỡng là nguyên nhân khiến trẻ bị mắc tự kỷ. Bầu không khí của gia đình có thể trở nên căng thẳng, bất hòa và có nguy cơ dẫn đến những đổ vỡ. Một số người đôi khi lại giận dữ với chính bản thân mình và có mặc cảm tội lỗi, cảm giác thất bại trong việc nuôi dưỡng con.

Thương lượng trả giá: Sau khi giận dữ, phụ huynh sẽ đi tìm những nguyên nhân mà mình cho rằng đưa đến tình trạng xấu của con mình. Nhiều người có thể đưa ra các suy luận rằng nếu như trước đây không cho trẻ xem TV nhiều, dành thời gian nhiều hơn cho con thì liệu trẻ có mắc tự kỷ không? Tuy nhiên cho đến nay, giả thuyết về việc cách chăm sóc của ba mẹ làm con mắc tự kỷ đã không còn được chấp nhận và tự kỷ được xem là một khuyết tật bẩm sinh. Có nhiều phụ huynh sẽ cố đi tìm các cách "chữa trị tự kỷ" và cho con dùng thử với hy vọng cải thiện tình hình.

Buồn bã: Với nhiều loay hoay, xoay sở với vấn đề của con, đến giai đoạn này phụ huynh có phần đã chấp nhận thực tế. Họ sẽ cảm thấy buồn bã, thất vọng, mệt mỏi và chán nản… Một số người có thể rút lui vào thế giới riêng của mình và cảm thấy mất hứng thú với các hoạt động thường ngày. Nếu các yếu tố trên ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như hiệu quả công việc, phụ huynh cần phải được hỗ trợ riêng về tâm lý trong giai đoạn khó khăn này.

Chấp nhận: Sau tất cả, phụ huynh sẽ trở lại với cuộc sống và đối diện với những vấn đề đang diễn ra nơi trẻ. Khi đó, phụ huynh có thể chấp nhận được con của mình, với tất cả những gì thuộc về con. Tình yêu thương của gia đình chính là chất xúc tác cần thiết để phụ huynh đón nhận đứa trẻ như là một quà tặng của cuộc sống. Phụ huynh sẽ nhận ra rằng dù con ra sao thì cũng là do mình sinh ra và là con của mình.

Với mỗi người, tiến trình 5 biểu hiện trên có thể diễn ra nhanh, chậm khác nhau. Và trong tiến trình ấy, đôi khi sẽ có sự đảo lộn các bước nhiều lần như đang ở giai đoạn chấp nhận lại thấy giận dữ và tiếp tục thương lượng trả giá.

Trong cái nhìn của tâm lý học, không bao giờ có hai đứa trẻ giống nhau hoàn toàn. Mỗi đứa trẻ là một thế giới hoàn toàn đặc biệt và độc nhất, mà ở đó người làm chuyên môn phải hết sức thận trọng để tiếp xúc, quan sát và khám phá mới có thể đưa ra những nhận định khách quan.

Các chuyên gia cho rằng: Trong lúc chờ đợi hành lang pháp lý liên quan đến trẻ tự kỷ được hoàn thiện, việc phụ huynh cần làm ngay lập tức là nâng cao nhận thức của mình. Bởi lẽ nếu đi sai hướng, nếu các con không may gặp phải những người không được phép, không đủ khả năng làm công tác điều trị, can thiệp, trẻ sẽ mất đi "giai đoạn vàng" của việc điều trị. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng sẽ tốn kém tiền bạc và mất niềm tin vào việc con mình có thể tiến bộ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục