Lao phổi tái phát gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe người bệnh

Mai Lê, icon
01:51 ngày 10/03/2024

VTV.vn - Đã điều trị khỏi bệnh lao nhưng sau một thời gian, nhiều bệnh nhân phải nhập viện trở lại vì mắc bệnh lao tái phát lần 2, lần 3.

Khi đã điều trị khỏi bệnh, bệnh nhân cần chú ý không để bị lao tái phát. (ảnh: Quang Nhật)

Phát hiện bản thân mắc bệnh lao vào năm 2020, thời điểm đó, bản thân ho nhiều, bệnh nhân N.T.T. (trú tại huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) đi khám, kết quả chụp X-quang có dấu hiệu mờ phổi. Sau khi nhập viện làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh lao.

Quá trình điều trị 6 tháng, bệnh nhân uống thuốc đều đặn, tuân thủ phác đồ của bác sĩ. Sau khi hoàn toàn khỏi bệnh lao, bệnh nhân được bác sĩ cho xuất viện. Tuy nhiên, vừa qua, bệnh nhân xuất hiện các cơn ho trở lại, tức ngực khó thở, bệnh nhân đi khám thì kết quả mắc lao lần 2.

"Ở lần mắc bệnh thứ 2, tôi thấy bệnh tình nặng hơn rất nhiều, tôi sút cân nhanh, người lúc nào cũng trong trạng thái mệt mỏi, xanh xao. Lần mắc lao đầu tiên, tôi cũng bị ho kéo dài, nhưng lần này những cơn ho dai dẳng hơn, cả đêm không ngủ được, ngực nhiều khi thấy đau rát, khó thở. Thật sự tôi cũng chủ quan nghĩ rằng bản thân đã từng chữa khỏi bệnh lao từ 4 năm trước, đợt ho lần này chỉ là ho thông thường, uống thuốc vào là khỏi nên không đi khám sớm, chỉ đến khi cơ thể không còn sức mới đi khám thì không ngờ lại bị mắc bệnh lao lần thứ 2" - bệnh nhân T. chia sẻ.

Cũng nhập viện điều trị lần thứ 3 vì lao tái phát, bệnh nhân P.Đ.D. (trú tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: "Năm 2021, tôi xuất hiện các triệu chứng ho dai dẳng kéo dài hơn 1 tháng, sau đó cơn ho nặng dần và ho ra máu kèm sốt. Lúc này, tôi nhập viện khám thì phát hiện bản thân mắc bệnh lao và tiến hành điều trị khỏi bệnh. 1 năm sau, tôi lại bị tái phát bệnh lao, tôi tiếp tục nhập viện điều trị đến khi khỏi bệnh. Những tưởng bản thân đã hoàn toàn khỏe mạnh, vừa qua tôi lại xuất hiện các đợt ho khan kéo dài. Kết quả xét nghiệm tôi lại bị nhiễm lao lần 3".

Bệnh lao diễn tiến âm thầm và làm suy kiệt sức khỏe, gây ảnh hưởng đến tính mạng người mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh lao hiện đã có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện, điều trị kịp thời. Khi đã điều trị khỏi bệnh, bệnh nhân cần chú ý không để bị lao tái phát.

Theo TS.BS Châu Đương, Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk, nếu bệnh nhân mắc lao tái phát sẽ nguy hiểm bởi nguy cơ kháng thuốc rất cao. Việc điều trị khi mắc lao tái phát trở nên khó khăn hơn rất nhiều, nếu chuyển sang lao kháng thuốc thì khả năng chữa khỏi vô cùng thấp. Bên cạnh đó, chi phí để điều trị cho một trường hợp mắc lao kháng thuốc thường rất cao.

Nếu như 1 trường hợp mắc lao thông thường, chi phí điều trị sẽ khoảng 10 triệu đồng. Nhưng với lao kháng thuốc, chi phí này sẽ lên tới cả trăm triệu đồng. Chưa kể những tổn hại về sức khỏe mà người bệnh phải gánh chịu suốt đời. Vì vậy, mỗi một bệnh nhân lao phổi đã điều trị khỏi luôn được các bác sĩ căn dặn để tránh lao tái phát.

Để phòng bệnh lao tái nhiễm hoặc tái phát, bác sĩ Châu Đương khuyến cáo: Bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ điều trị, nên phát hiện sớm nguồn lây chính trong cộng đồng và điều trị triệt để bằng các phác đồ hiệu quả trong 6 tháng. Khi điều trị, người bệnh phải dùng thuốc đều đặn đúng và đủ theo thời gian quy định tới khi khỏi hoàn toàn. Sau khi khỏi bệnh, bệnh nhân cần tái khám định kỳ để nắm được tình trạng sức khỏe, khả năng phục hồi bệnh.

Ngoài ra, người bệnh cần tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh, tăng cường sức đề kháng, nhất là sức đề kháng của đường hô hấp để chống lại những vi khuẩn lao có thể xâm nhập cơ thể.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục