Mắc ung thư vú khi còn trẻ rất dễ tái phát bệnh

P.V, icon
07:21 ngày 17/08/2019

VTV.vn - Một số nghiên cứu cho thấy: những phụ nữ mắc ung thư vú mang gen đột biến BRCA1-2 cần đặc biệt thận trọng vì căn bệnh này có thể tái phát.

Hình minh họa.

Các chuyên gia Singapore cảnh báo: nếu phụ nữ bị ung thư một bên vú thì nguy cơ bị ung thư bên vú còn lại là rất cao. Với những người mang gen đột biến BRCA1-2 sẽ phải đối mặt với những nguy cơ bị ung thư ở cả hai bên vú cao hơn.

Kết quả nghiên cứu cho thấy: khoảng 5 - 10% phụ nữ ung thư vú không mang gen đột biến BRCA1-2 khi đã chữa khỏi ung thư có nguy cơ tái phát bệnh khoảng 10 năm sau đó. Còn đối với những người mang gen BRCA thì nguy cơ tái phát bệnh sau 10 năm là 10 - 30%. Khi tái phát, bệnh hoàn toàn không có triệu chứng gì đặc biệt và buộc phải thực hiện xét nghiệm mới có thể phát hiện được bệnh.

Vì vậy, các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt khuyên: chị em phụ nữ nên cân nhắc phẫu thuật cắt tuyến vú phòng bị bên vú còn lại để giảm nguy cơ ung thư vú nguyên phát thứ hai. Đồng thời, dù đã chữa khỏi bệnh nhưng chị em vẫn cần tái khám thường xuyên, tăng cường tầm soát để phát hiện sớm và điều trị bệnh hiệu quả. Đối với những phụ nữ mang gen đột biến BRCA1-2 càng nên làm xét nghiệm gen để kiểm soát nguy cơ và theo dõi chặt chẽ hơn.

Để phòng ngừa ung thư vú hiệu quả bạn nên lưu ý những vấn đề sau:

Giữ cân nặng hợp lý: Thừa cân hoặc béo phì cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú sau mãn kinh. Nếu chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn hơn 25, bạn nên giảm cân. Các nhà khoa học giải thích rằng: các mô mỡ làm tăng estrogen và hormone, vì thế thúc đẩy nguy cơ phát triển ung thư vú sau mãn kinh.

Thường xuyên vận động: Vận động giúp tăng cường sức khỏe nói chung và góp phần phòng ngừa bệnh ung thư vú. Những phụ nữ thường xuyên vận động sẽ giảm nguy cơ thừa cân, béo phì, và đồng thời còn có tác động có lợi về mức độ insulin và tăng cường hệ thống miễn dịch.

Thận trọng khi dùng những liệu pháp nội tiết tố: Trong thời kỳ mãn kinh, nhiều chị em cần phải nhờ đến nhiều liệu pháp nội tiết tố nhưng cần nghe theo lời khuyên của bác sĩ. Nếu không, cơ thể sẽ gặp phải nhiều nguy cơ sức khỏe, đặc biệt là nguy cơ dẫn tới ung thư vú. Tương tự, chị em cũng nên tham khảo bác sĩ trước khi sử dụng thuốc tránh thai.

Cho con bú: Cho con bú không chỉ tốt cho sự phát triển của trẻ, mà còn làm giảm nguy cơ ung thư vú vì quá trình này làm giảm nồng độ estrogen.

Ăn uống hợp lý: Chế độ ăn nhiều rau xanh, giảm chất béo là chế độ ăn lành mạnh, cần thiết để mọi người duy trì sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật.

Tuy nhiên, đây không phải là những cách ngăn ngừa ung thư vú hiệu quả 100% mà chỉ góp phần đẩy lùi nguy cơ gây bệnh. Giới chuyên môn khuyến cáo phụ nữ cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bất thường trong cơ thể và tầm soát ung thư vú thường xuyên, đặc biệt với những người đã từng mắc ung vú, người có nguy cơ cao.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục