Mách mẹ bầu khắc phục tình trạng ốm nghén

P.V, icon
03:44 ngày 06/11/2019

VTV.vn - Nghén thường xảy ra vào trước tuần thai thứ 9 và kết thúc trước tuần 12-14. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp nghén kéo dài qua vài tháng và có thể suốt thai kỳ.

Hình minh họa.

Theo chia sẻ của bác sĩ Trần Thị Mỹ - Khoa Phụ, Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai, nghén là tình trạng rất phổ biến trong thai kỳ với các triệu chứng như: buồn nôn, nôn ói, mệt mỏi, ăn uống kém ngon miệng, giảm cân, mất nước… Khoảng 0,3 - 3% thai kỳ bị tình trạng nghén nặng, phụ nữ mang thai nôn ói nhiều làm giảm trên 5% cân nặng và các biến chứng khác của tình trạng mất nước. Lúc này, các mẹ cần được điều trị để giảm nôn ói, bồi hoàn nước và điện giải, nếu nặng hơn nữa có thể cần nhập viện.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ nghén nặng:

- Mang đa thai (song thai, tam thai…).

- Thai kỳ trước cũng bị nghén (có thể nặng hoặc nhẹ).

- Có mẹ hoặc chị em gái bị nghén nặng.

- Tiền sử bị chóng mặt khi thay đổi tư thế hoặc đau đầu migraine.

- Mang thai là con gái.

Ngoài nghén do thai thì nôn và buồn nôn còn có thể do một số nguyên nhân khác như: viêm dạ dày tá tràng, ngộ độc thực phẩm, bệnh tuyến giáp, bệnh túi mật… Bởi vậy, các mẹ cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời nếu bị nôn, buồn nôn với tính chất không giống như thông thường:

- Nôn và buồn nôn xảy ra sau tuần thai thứ 9.

- Nôn và buồn nôn kèm một trong các triệu chứng: đau bụng, sốt, đau đầu, bướu cổ

Cũng theo bác sĩ Trần Thị Mỹ, nghén thường không ảnh hưởng đến thai nhi và không cho thấy là em bé bị nguy hiểm. Ngược lại, nghén cho thấy thai đang phát triển tốt, bánh nhau tăng tiết một số nội tiết tố như BhCG, estrogen vào máu mẹ và làm mẹ bị nghén. Một vài nghiên cứu cho thấy: Những mẹ bị nghén trong thai kỳ có tỷ lệ sẩy thai thấp hơn người không nghén. Tuy nhiên, nếu mẹ bị nghén quá nhiều và bị sụt cân thì có thể làm bé bị nhẹ cân lúc sinh.

Lưu ý, một số trường hợp các mẹ đang nghén bỗng đột ngột hết nghén thì nên đi khám lại ngay để kiểm tra tình trạng thai.

Mách các mẹ một số giải pháp khắc phục tình trạng nghén

- Một số nghiên cứu cho thấy: Uống vitamin 3 tháng trước thụ thai có thể làm giảm tần suất và độ nặng của nghén.

- Quá no hay quá đói đều làm tăng cảm giác nôn, buồn nôn. Do đó, mẹ nên chia nhỏ thành nhiều bữa thay vì chỉ ăn 3 bữa chính, như bổ sung thêm bữa xế trưa, xế chiều và tối trước khi ngủ. Các mẹ cũng có thể ăn thêm bánh quy vào buổi sáng khi vừa ngủ dậy để trung hòa acid dạ dày sau một đêm ngủ dài.

- Tránh các loại mùi gây cảm giác khó chịu, làm buồn nôn như mùi nước hoa, nước xịt phòng, nước tẩy rửa, mùi tỏi, cà phê… Mở cửa sổ để phòng thông thoáng và tránh nơi ngột ngạt.

- Tránh các thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn quá ngọt, nặng mùi…

- Thử các thức ăn đơn giản, dễ tiêu hóa, không mùi, không dầu mỡ, khô như chuối, cơm, bánh mì, mì ý, khoai tây, ngũ cốc… Các loại thực phẩm mát lạnh như sa lát, sữa chua, trái cây hoặc súp lạnh cũng giúp ích cho hệ tiêu hóa trong thai kỳ.

- Thuốc sắt có thể gây kích thích dạ dày và tăng cảm giác buồn nôn. Do đó mẹ có thể ngưng sắt trong giai đoạn nghén nhiều và bắt đầu uống lại khi nghén giảm đi. Đừng quên vẫn tiếp tục uống viên acid folic đơn thuần trong giai đoạn này.

- Thử ngậm gừng tươi, mứt gừng, kẹo gừng, trà gừng.

- Uống nhiều nước, đặc biệt là các loại nước lạnh, chua, có mùi dễ chịu như nước chanh, nước cam, bạc hà, trà xanh…có thể làm mẹ dễ chịu hơn. Nên uống nước 30 phút trước và sau khi ăn thức ăn đặc để tránh làm dạ dày quá đầy sau ăn.

Nếu sau khi áp dụng các biện pháp trên mà vẫn không cải thiện tình trạng nghén thì các mẹ nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục