Nam bệnh nhân bị cây sắt xuyên thủng hậu môn vào ổ bụng

Linh Chi, icon
09:10 ngày 18/04/2021

VTV.vn - Nam bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng bị cây sắt xuyên thủng hậu môn - trực tràng, tổn thương trong ổ bụng.

Bệnh nhân được theo dõi sau phẫu thuật. Ảnh: BVCC

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa An Phước (Bình Thuận), chiều muộn ngày 16/4, bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân nam, 22 tuổi, trú tại thành phố Phan Thiết trong tình trạng bị cây sắt xuyên thủng hậu môn - trực tràng, tổn thương trong ổ bụng.

Ngay sau khi tiếp nhận, qua thăm khám, thực hiện cận lâm sàng, các bác sĩ chỉ định mổ cấp cứu cho bệnh nhân.

Trưởng kíp mổ là BSCKI. Võ Quang Trung đã xử lý thương tổn, may phúc mạc, mở đại tràng ra da làm hậu môn tạm cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật kết thúc sau hơn 3 giờ.

Hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh táo, sức khỏe ổn định, đang được hồi sức tích cực và tiếp tục theo dõi.

Trước đó, vào tháng 3/2021, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng tiếp nhận trường hợp bệnh nhân L.V.C., 20 tuổi, trú tại Lai Châu nhập viện do tai nạn xe máy bị thanh sắt đâm xuyên mặt.

Các bác sĩ xác định: Thanh sắt của hàng rào đâm vào từ dưới mắt trái, xuyên qua mũi, xoang sàng, qua hốc mắt và đỉnh hốc mắt phải. Sau đó, xuyên thủng tầng giữa nền sọ vào thùy thái dương bên phải của não, thanh sắt xuyên qua tổ chức não chỉ cách động mạch cảnh trong là động mạch chính cấp máu cho não khoảng 5mm.

Bệnh nhân được đưa vào phòng can thiệp mạch kịp thời với sự tham gia phối hợp của kíp bác sĩ đa chuyên khoa: thần kinh, tạo hình hàm mặt, mắt, chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức.

Sau phẫu thuật rút dị vật, đối với chấn thương hàm mặt, vết thương phần ngoài của bệnh nhân đã được xử lý, cần theo dõi thêm phần xuyên qua xoang sàng, xoang hàm, hốc mũi.

Theo các bác sĩ, trong sơ cứu và cấp cứu các trường hợp bị vật nhọn đâm vào cơ thể: không được rút dị vật ra, ngay cả tại phòng cấp cứu. Vì trong các trường hợp chấn thương mạch máu, dị vật có tác dụng như một nút cầm máu tạm thời. Nếu rút ra, sẽ làm cho tổn thương mạch máu, thần kinh thêm trầm trọng, bệnh nhân có nguy cơ tử vong vì chảy máu ồ ạt. Ngoài ra, khó khăn cho thầy thuốc khi xử trí tổn thương. Rút dị vật chỉ được thực hiện trong phòng mổ bởi phẫu thuật viên.

Lưu ý khi sơ cứu, cấp cứu: Băng cố định dị vật (bằng băng thun, vải hoặc vật liệu tương tự) nhằm không cho vật nhọn xê dịch, tránh chảy máu nhiều, giảm đau đớn cho bệnh nhân. Đồng thời, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và xử trí kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục