Nam giới có cần tiêm vaccine HPV?

Linh Chi, icon
09:06 ngày 05/09/2019

VTV.vn - Hầu như tất cả những người có hoạt động tình dục sẽ bị nhiễm virus HPV tại một số thời điểm trong cuộc đời của họ.

Hình minh họa.

Theo bác sĩ Lê Đức Thọ, Khoa Da Liễu, Bệnh viện Quốc tế City, nam giới không bị ung thư cổ tử cung nhưng có thể bị sùi mào gà do HPV type 6,11 hay ung thư hậu môn, dương vật, miệng, vòm họng do HPV type 16, 18. Phụ nữ đã tiêm vaccine HPV sẽ gián tiếp giúp bảo vệ nam giới chống lại các loại ung thư và mụn cóc sinh dục. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng: Nam giới cũng cần được tiêm phòng HPV.

Trung tâm Phòng chống và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đã đưa ra cảnh báo: Xu thế quan hệ tình dục bằng miệng của giới trẻ hiện nay đã làm gia tăng sự lây truyền HPV. Do đó, nên xem xét mở rộng chương trình tiêm phòng HPV cho các bé trai sau khi một nghiên cứu cho thấy số nam giới nhiễm HPV có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng, ung thư miệng, lưỡi cũng như ung thư dương vật, hậu môn. Các chuyên gia y tế cũng dự báo đến năm 2020, số bệnh nhân bị ung thư miệng, vòm họng sẽ nhiều hơn ung thư cổ tử cung do virus HPV gây ra.

Nhiều nước trên thế giới đã tiến hành tiêm vaccine HPV cho cả trẻ em gái và trai vì virus HPV là nguyên nhân gây ra mụn cóc sinh dục và rất nhiều bệnh ung thư cho cả 2 phái. Ngoài việc bảo vệ nam giới phòng tránh bệnh sùi mào gà, ung thư dương vật, hậu môn, miệng, vòm họng do virus HPV, việc tiêm vaccine ngừa HPV cho nam giới còn có hiệu quả bảo vệ cho cả bạn tình của họ không bị lây nhiễm virus HPV.

Ngoài ra, cũng cần tiêm vaccine cho người đồng tính nam và lưỡng tính hoặc bất cứ nam giới nào có quan hệ tình dục với người cùng giới cho đến 45 tuổi. Việc tiêm vaccine cho nam giới và nữ giới bị suy giảm miễn dịch, bao gồm cả người bị HIV/AIDS, cho đến 45 tuổi cũng là rất cần thiết nếu họ chưa được tiêm vaccine đầy đủ khi còn nhỏ.

Hiệu quả của vaccine HPV?

Các nghiên cứu cho thấy rằng: Việc tiêm vaccine HPV trước khi có hoạt động tình dục có thể giảm đến hơn 90% nguy cơ mắc một số loại ung thư liên quan đến HPV. Theo Trung tâm Phòng chống và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, có thể ngăn ngừa 92% ca ung thư do HPV nếu tiêm phòng vaccine.

Nếu một người đã có quan hệ tình dục thì có thể đã bị nhiễm một hoặc nhiều loại HPV nhưng vẫn có thể chủng ngừa nếu dưới 45 tuổi. Vaccine có thể giúp bảo vệ chống lại các loại HPV khác có trong vaccine mà bạn chưa bị nhiễm.

Tác dụng phụ của vaccine HPV?

Kể từ khi lưu hành (2006) đến nay, hàng triệu người trên toàn thế giới đã được tiêm vaccine ngừa HPV. Tác dụng phụ phổ biến nhất của vaccine là sốt nhẹ, đau và đỏ nơi tiêm thuốc. Chưa ghi nhận báo cáo về tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc phản ứng xấu với vaccine.

Vaccine HPV có giúp bảo vệ hoàn toàn khỏi bị nhiễm virus?

Ngay cả khi đã tiêm vaccine HPV, điều quan trọng vẫn là cần phải thực hiện thêm các biện pháp phòng bệnh để tự bảo vệ khỏi virus HPV cũng như các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Ví dụ: hạn chế số lượng bạn tình, sử dụng bao cao su để giảm nguy cơ nhiễm trùng khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc đường miệng.

Lưu ý: bao cao su chỉ có thể bảo vệ một tỷ lệ diện tích nhỏ trên da và do đó không thể bảo vệ hoàn toàn chống lại việc nhiễm HPV. HPV có thể truyền từ người này sang người khác bằng cách tiếp xúc với các vùng bị nhiễm bệnh không được che phủ bởi bao cao su như da, niêm mạc vùng miệng, họng, vùng sinh dục hoặc hậu môn.

Trên thực tế, virus HPV rất dễ tái nhiễm - tức là sau khi cơ thể đào thải virus vẫn có thể nhiễm lại. Miễn dịch tự nhiên của cơ thể không đủ để phòng được tái nhiễm nhưng vaccine lại có thể làm được điều này. Bên cạnh đó, HPV có nhiều type khác nhau, việc bạn đã từng bị nhiễm một type HPV nào trước đây thì vẫn nên tiêm phòng vaccine để được bảo vệ tránh lây nhiễm những type HPV khác. Do đó, vaccine HPV vẫn có tác dụng khi tiêm cho những người đã từng quan hệ tình dục, thậm chí đã từng bị nhiễm virus HPV.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục