Các bệnh về đường hô hấp ở trẻ tăng đột biến

Thanh Tú (CDC Đồng Nai), icon
06:00 ngày 11/05/2022

VTV.vn - Những ngày gần đây, số lượng bệnh nhi mắc các bệnh lý hô hấp tại Đồng Nai đang có sự gia tăng, trong đó chiếm nhiều ở trẻ sơ sinh đến 2 tuổi.

Bác sĩ thăm khám cho trẻ bị viêm phổi tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng

Chị V.T.B.T., ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom có con đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, con của chị mới sinh được 2 tháng tuổi. Lúc đầu bé ho ít, 2 ngày sau thấy bé ho nhiều, thở mệt, khó thở gia đình cho bé vào bệnh viện thì bác sĩ bảo bé bị viêm phổi nặng cần nhập viện điều trị. Đến nay, bé đã điều trị ở bệnh viện được 6 ngày. Trong thời gian điều trị bác sĩ phải cho bé thở bằng oxy và chích kháng sinh. Đến nay sức khỏe bé đã ổn hơn và đỡ ho hơn.

Tương tự chị T., mẹ của bé L.P.L. (2 tháng tuổi, ở phường Trảng Dài, Biên Hoà) cho hay: Lúc đầu ở nhà bé có ho ít, chỉ hơn ngày sau thấy bé càng ngày ho càng nhiều nên gia đình cho bé đi khám tại bệnh viện, tại đây bác sĩ bảo bé bị viêm phổi. Đến nay, bé đã điều trị được một tuần nhưng vẫn còn ho nhiều, gia đình rất lo lắng.

Theo BSCKI. Đặng Công Chánh, Trưởng khoa hô hấp - Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, hiện nay, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận và điều trị cho khoảng 100 bệnh nhân. Chủ yếu các bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm hô hấp trên, viêm phổi, hen, viêm phế quản… Đa phần trẻ bị thường là sơ sinh cho đến 2 tuổi, trong đó nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng phải được hỗ trợ thở oxy.

Cũng theo BSCKI. Đặng Công Chánh, tiến triển của bệnh hô hấp tùy theo mức độ bệnh và kháng thể của mỗi trẻ. Các bệnh hô hấp ở trẻ thường có biểu hiện như sốt, ho, ói khi ăn kèm theo tiêu chảy. Còn các bệnh hô hấp nặng như khó thở, tím tái phải thở oxy, đa số những trẻ bị nặng thường là những trẻ sơ sinh, diễn biến bệnh ở những trẻ này rất nhanh vì cơ địa của các bé còn nhỏ, sức đề kháng còn yếu.

Phụ huynh cần lưu ý đối với trẻ sốt cao từ 2, 3 ngày trở lên, có biểu hiện ho nhiều, khò khè nhiều nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị. Cần lưu ý những biểu hiện cần đưa trẻ đến bệnh viện để được khám ngay là trẻ bị sốt cao liên tục, li bì, bỏ ăn, bỏ uống, khó thở, thở mệt. Đây là những dấu hiệu nặng của bệnh lý viêm phổi.

Chủ động phòng ngừa bệnh theo mùa

BSCKI. Đặng Công Chánh cho biết: Năm nay, mùa mưa đến sớm nên các bệnh lý liên quan đến hô hấp cũng gia tăng sớm, tuy nhiên đây vẫn chưa phải đỉnh điểm của dịch này, thông thường đỉnh điểm của dịch là khoảng tháng 8 - 10 hàng năm. Nguyên nhân mưa nhiều và ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão khiến không khí lạnh hơn, độ ẩm tăng cao tạo thuận lợi cho một số vi khuẩn, vi trùng phát triển, đặc biệt là các chủng vi khuẩn vi trùng trú ngụ ở đường hô hấp gây bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản…

Bên cạnh đó, khác với năm trước, do dịch COVID-19 trong các đợt thực hiện giãn cách xã hội, người dân cũng đã chủ động các biện pháp phòng bệnh cho trẻ, nên các bệnh lý hô hấp có phần ít hơn. Tuy nhiên năm nay, dịch COVID-19 đã được kiểm soát, các hoạt động xã hội đã trở lại bình thường, trẻ đã đến trường đi học, mùa mưa lại về sớm nên mới đầu mùa nhưng tỷ lệ bệnh về đường hô hấp đã tăng cao.

Để phòng bệnh cho trẻ, phụ huynh cần chủ động các biện pháp phòng bệnh, không nên chủ quan khi thời tiết trở lạnh. Cần biết cách giữ ấm cho trẻ, không để trẻ bị nhiễm lạnh bằng cách: cho trẻ mặc đồ ấm khi đến trường học, khi về nhà không nên cho trẻ nằm máy lạnh nhiều, không để trẻ bị thay đổi nhiệt độ đột ngột như đang chơi ở bên ngoài nắng nóng rồi vào khu vực có máy lạnh ngay, hoặc ngược lại đang trong phòng kín có máy lạnh đi ra bên ngoài trời nắng. Không nên cho trẻ tắm ngay sau khi từ bên ngoài trở về nhà, không nên cho trẻ tắm lúc tối muộn.

Ở thời điểm hiện tại mặc dù dịch bệnh COVID-19 đã tạm thời được kiểm soát, nhưng phụ huynh vẫn nên duy trì thói quen đeo khẩu trang cho trẻ, bởi ngoài tác dụng phòng dịch bệnh COVID-19, việc đeo khẩu trang cũng có lợi ích phòng ngừa các bệnh lý hô hấp khác. Phụ huynh không nên cho trẻ đến các khu vực đông người để phòng ngừa lây nhiễm bệnh.

Về biện pháp phòng bệnh lâu dài, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ để tăng cường hệ miễn dịch. Đồng thời, nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng đủ chất, ăn chín uống sôi. Đồ ăn được chế biến phải đảm bảo vệ sinh, tránh ăn các đồ lạnh, không nên cho trẻ uống nước đá. Ngoài ra, nên bổ sung vitamin cho trẻ, cho trẻ uống đủ nước. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, cần cho bú sữa mẹ hoàn toàn để tăng cường hệ miễn dịch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục