Ngại dịch không đi khám mà ở nhà đắp thuốc lá, bệnh nhân bị viêm da cơ địa nặng

Tuấn Bảo, icon
10:00 ngày 01/03/2022

VTV.vn - Bệnh nhân vào viện khi các tổn thương ở da tại cổ chân và đầu ngón chân ngày càng nặng.

Tổn thương vùng da ở cổ chân của bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Phòng khám Da liễu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng vừa tiếp nhận bệnh nhân T., 60 tuổi trú tại huyện Bảo lạc, Cao Bằng với các dấu hiệu như da khô sần ngứa thành từng mảng thâm sạm, có các vết nứt ở cổ chân, đầu các ngón chân. Các bác sĩ chấn đoán bệnh nhân bị viêm da cơ địa.

Trước đó, do gia đình e ngại dịch bệnh nên đã không đưa bệnh nhân đi khám, ở nhà đã tự ý dùng thuốc lá cây đắp theo dân gian và người khác mách bảo. Tuy nhiên tình trạng bệnh không giảm mà tiếp tục lan rộng khiến ngứa ngáy khó chịu.

Theo các bác sĩ, viêm da cơ địa điển hình bởi tổn thương da khô ráp, dày sừng, nứt nẻ và ngứa ngáy. Nguyên nhân của viêm da cơ địa được xác định có sự phối hợp của yếu tố di truyền (người có cơ địa dị ứng) với các yếu tố môi trường (do thời tiết hanh khô, độ ẩm thấp, các hóa chất...).

Khi hàng rào bảo vệ da bị tổn thương do giảm sản xuất lớp lipit ở trên bề mặt của da, làm cho da khô, mất nước, tế bào bị biến dạng, từ đó tạo điều kiện cho dị nguyên, vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh. Môi trường là 1 yếu tố quan trọng làm khởi phát bệnh cũng như làm bệnh nặng thêm như thời tiết, khí hậu hanh khô, các dị nguyên hô hấp như mạt bụi nhà, phấn hoa, lông súc vật, hoặc dị nguyên thức ăn như trứng, sữa, lạc, tôm, cua…

Các bác sĩ khuyến cáo: Bệnh viêm da cơ địa là một bệnh lý có tính chất hệ thống. Để nâng cao thể trạng và cải thiện hệ miễn dịch cho sức khỏe làn da, người bệnh cần:

Tránh tiếp xúc với các yếu tố có khả năng gây dị ứng như thực phẩm, nấm mốc, mạt bụi, côn trùng, thực vật có độc…

Kiểm soát căng thẳng bằng cách giảm thời gian làm việc, nghỉ ngơi điều độ, ngủ đủ giấc và thường xuyên tập thể dục.

Nên vệ sinh da bằng các sản phẩm có độ PH cân bằng, dịu nhẹ và lành tính. Đồng thời cần dưỡng ẩm cho da 2 - 3 lần/ ngày nhằm duy trì độ ẩm, phục hồi hàng rào bảo vệ và cải thiện tình trạng khô ráp.

Có thể chườm lạnh để giảm viêm và cải thiện ngứa ngáy ở vùng da tổn thương.

Mặc quần áo có chất liệu mềm, thoáng và thấm hút để tránh ma sát lên vùng da bị ảnh hưởng.

Tăng cường sức đề kháng với giờ giấc sinh hoạt khoa học, luyện tập điều độ và chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Hệ miễn dịch khỏe mạnh có thể hỗ trợ ức chế bệnh và giảm nguy cơ tái phát

Bệnh viêm da cơ địa ở người lớn nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh. Khi gặp các triệu chứng như trên, người bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế có chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục