Người đàn ông mắc viêm não tự miễn thể hiếm gặp

P.V, icon
05:51 ngày 15/01/2024

VTV.vn - Đây là trường hợp nam bệnh nhân 57 tuổi, vừa được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận điều trị.

Trước khi vào viện 7 tháng, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng yếu tay, chân trái kèm theo biểu hiện loạn thần nhẹ, vào bệnh viện huyện được chụp CT sọ não và chẩn đoán, điều trị theo hướng nhồi máu não. Sau điều trị 7 ngày, sức cơ cải thiện nhanh chóng, tình trạng lâm sàng bệnh nhân có cải thiện rõ rệt, ra viện mRS: 1 điểm.

Sau đó, bệnh nhân xuất hiện cơn co giật, sau cơn có trạng thái kích động, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng ý thức rối loạn tâm thần, kích động, hoang tưởng, ảo giác, mất nhận thức người thân. Bệnh nhân bị co giật toàn thân, co giật liên tục, không liệt mặt, không rối loạn nuốt, không rối loạn cơ tròn.

Bệnh nhân được khảo sát cộng hưởng từ sọ não, xét nghiệm dịch não tủy và các xét nghiệm cơ bản sàng lọc độc chất, bệnh chuyển hóa.

Kết quả cộng hưởng từ sọ cho thấy tổn thương tăng tín hiệu trên xung khuyết tán tổn thương chủ yếu vùng vỏ não thùy chẩm, đỉnh 2 bên; trên xung flair tổn thương tăng tín hiệu vùng cuống não phải, dưới đồi phải, tổn thương chất trắng cạnh não thất 2 bên.

Với tình trạng lâm sàng rối loạn tâm thần 3 ngày, co giật liên tục nhiều cơn trong 3 ngày đầu kèm theo những bất thường về hình ảnh học và xét nghiệm dịch não tủy ban đầu, các bác sĩ hội chẩn đã đưa ra hướng chẩn đoán theo dõi viêm não căn nguyên chưa xác định. Bệnh nhân được điều trị triệu chứng: thuốc cắt cơn giật, dinh dưỡng bảo vệ tế bào thần kinh, thuốc chống loạn thần.

Sau 5 ngày điều trị lâm sàng, bệnh nhân có cải thiện hơn hết loạn thần, còn rối loan trí nhớ, trả lời còn lẫn lộn thiếu chính xác, cơn co giật được kiểm soát. Bệnh nhân được chụp lại cộng hưởng từ sọ não đánh giá tổn thương và xét nghiệm dịch não tủy lần 2, kết quả tổn thương trên flair không thay đổi, nhưng tổn thương mới trên DWI hiện rõ ràng hơn; protein dịch não tủy 0,84 g/l; tế bào: 3 tế bào.

Với bệnh sử từ trước kết hợp với lâm sàng khởi phát bởi co giật và rối loạn tâm thần và bất thường trong dịch não tủy, các bác sĩ đã hội chẩn và nghĩ nhiều đến viêm não tự miễn và chỉ định xét nghiệm một số xét nghiệm viêm não tự miễn (làm tại Bệnh viện Nhi Trung ương). Kết quả mẫu huyết thanh của bệnh nhân dương tính với kháng thể kháng LGI1 (Leucine-rich glioma-inactivated 1) (hình 3). Kháng thể LG1 là một trong 6 loại tự kháng thể phổ biến trong bệnh viêm não tự miễn đang được xét nghiệm chẩn đoán tại Việt Nam.

Bệnh nhân được chẩn đoán xác định và điều trị theo hướng viêm não tự miễn với phác đồ cơ bản là corticoid liều cao, thuốc bảo vệ dinh dưỡng thần kinh, thuốc chống cơn giật... Sau đó, tình trạng lâm sàng của bệnh nhân cải thiện nhanh chóng.

Sau 2 tuần điều trị, tình trạng bệnh nhân cải thiện tốt, tỉnh hoàn toàn, không loạn thần, không co giật, không yếu chi và được cho ra viện. Các lần tái khám sau 15 ngày, sau 1,5 tháng, sau 3 tháng, bệnh nhân ổn định, không có triệu chứng tái phát.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục