Nguy cơ tái hẹp sau đặt stent mạch vành

Tuấn Bảo, icon
07:08 ngày 06/08/2018

VTV.vn - Bệnh nhân sau đặt stent mạch vành vẫn có thể bị tái hẹp trở lại ngay trong stent, gây nên tình trạng đau ngực tái phát hoặc có thể đưa tới tình trạng nhồi máu cơ tim.

Stent mạch vành của bệnh nhân sau can thiệp.

Bệnh nhân L.V.N. (sinh năm 1959), nhập viện tại Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM) trong tình trạng đau tức ngực trái nhiều cơn và kéo dài. Tình trạng này đã kéo dài khoảng 3 tháng, khiến bệnh nhân rất dễ mệt trong các sinh hoạt hằng ngày, dù uống thuốc nhưng vẫn không thuyên giảm. Trước đó, bệnh nhân bị tăng huyết áp và mỡ máu cao nhiều năm qua, còn thêm nghiện thuốc lá nặng (trung bình mỗi ngày hút một gói) trong suốt 40 năm qua.

Đáng lưu ý là tính đến lần nhập viện này, bệnh nhân đã được đặt stent nhiều lần trước đây, tổng cộng có 6 stent mạch vành trong cơ thể.

Kết quả chụp mạch bằng máy DSA cho thấy hệ thống mạch máu tim bên trái có một stent bị hẹp trở lại. Các bác sĩ Đơn vị Tim mạch can thiệp của bệnh viện đã nhanh chóng tiến hành khôi phục lại sự thông suốt bên trong stent cho bệnh nhân. Can thiệp thành công, hiện bệnh nhân đã hết đau ngực và đang dần khỏe lại.

Tuy nhiên, qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo: sau khi đặt stent mạch vành trong vòng một năm đầu tiên, stent có nhiều khả năng bị tái hẹp trở lại bởi nhiều nguyên nhân như: tình trạng đề kháng của cơ thể bệnh nhân đối với "vật thể lạ" (stent) được đặt vào trong mạch máu, do yếu tố cơ địa, do các bệnh mãn tính (bệnh tiểu đường, tăng huyết áp…); đặc biệt là các thói quen sống không tốt (hút thuốc lá, chế độ ăn nhiều dầu mỡ...).

Hơn nữa, bệnh nhân sau đặt stent phải được bác sĩ hướng dẫn dùng thuốc liên tục để duy trì stent trong mạch máu lâu dài và cần phải điều trị các bệnh mãn tính đang mắc phải để giảm thiểu yếu tố nguy cơ gây hẹp trong stent đến mức thấp nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục