Những biến chứng có thể gặp khi bị viêm xoang cấp tính

Linh Chi, icon
09:42 ngày 11/09/2019

VTV.vn - Viêm xoang cấp tính do rất nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó viêm mũi cấp tính tái diễn nhiều lần là nguyên nhân chính.

Hình minh họa.

Theo chia sẻ của bác sĩ Vũ Hải Long, Trưởng Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhân dân 115, viêm xoang cấp tính là chỉ chứng viêm mủ cấp tính của niêm mạc mũi xoang, là một bệnh rất phổ biến ở trong cộng đồng. Vi khuẩn gây bệnh trong viêm xoang mủ cấp tính thường là phế cầu, tụ cầu, liên cầu khuẩn. Viêm xoang do răng thường là do vi khuẩn yếm khí hoặc nhiễm trùng trực khuẩn coli.

Biến chứng khi mắc viêm xoang

Vì xoang mũi ở xung quanh hốc mắt, thành xương của xoang lại tương đối mỏng, nên nhiễm trùng ở xoang có thể lan vào trong hốc mắt gây viêm thành xương của hốc mắt, viêm tổ chức lỏng lẻo hốc mắt, viêm thần kinh thị giác sau nhãn cầu và xa hơn nữa là áp xe ngoài màng cứng, áp xe não. Dịch mủ trong xoang chảy xuống họng gây viêm họng, nếu dịch mủ lọt vào thanh khí phế quản thì có thể gây viêm thanh khí phế quản, viêm phổi..

Vì thế, khi bị viêm xoang nhất định phải được điều trị kịp thời và chăm sóc chu đáo để ngăn chặn quá trình viêm và phòng ngừa biến chứng.

Triệu chứng bệnh

Hầu hết nhiễm trùng xoang đều xuất phát từ mũi và lan từ mũi vào trong xoang. Các xoang có thể bị viêm cùng lúc, hoặc có thể bị viêm riêng lẻ, trong đó tỷ lệ viêm xoang hàm là cao nhất.

Do vị trí giải phẫu các xoang khác nhau, nên có thể có triệu chứng riêng của mỗi xoang như:

- Viêm xoang hàm cấp tính thì đau ở vùng cạnh mũi, buổi sáng sớm thì nhẹ, sau buổi trưa thì nặng thêm.

- Viêm xoang trán gây đau ở giữa hai chân mày, trước trán, với biểu hiện hơi tức nặng vào sáng sớm, giữa trưa đau nhiều nhất, sau buổi trưa thì giảm bớt.

- Viêm xoang sàng thì đau ở gốc mũi hoặc giữa hai khóe mắt trong với các biểu hiện như: Viêm xoang sàng trước thì sáng sớm đau tăng, sau buổi trưa nhẹ bớt. Viêm xoang sàng sau thì ngược lại.

- Viêm xoang bướm thì đau sâu trong đầu và phía sau nhãn cầu hoặc đau ở vùng chẩm, sáng sớm nhẹ, buổi chiều nặng thêm, khi cúi đầu, nhảy, hỉ mũi thì đau tăng thêm. Bệnh nhân có thể có triệu chứng giảm trí nhớ, ngại tư duy và giảm độ tập trung chú ý.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây ra viêm xoang mũi cấp tính nung mủ có hai yếu tố: về giải phẫu và nhiễm trùng:

- Nhìn từ đặc điểm giải phẫu của xoang mũi: Lỗ thông ra mũi của các xoang cạnh mũi là rất nhỏ, khi bị hẹp hoặc tắc nghẽn thì ảnh hưởng đến sự lưu thông khí và dịch tiết trong lòng xoang. Vì niêm mạc trong lòng xoang liên tục với niêm mạc hốc mũi nên khi có nhiễm trùng ở hốc mũi thì rất dễ lan vào xoang. Các lỗ thông và các thành của các loại xoang cạnh mũi nằm rất gần nhau, cho nên, nếu một xoang bị viêm thì có thể lây lan đến các xoang khác. Đặc điểm về giải phẫu này của hệ thống mũi xoang là điều kiện thuận lợi cho viêm tiến triển thành viêm đa xoang.

Mặt khác, nhìn từ góc độ toàn thân và tại chỗ, có rất nhiều nguyên nhân thuận lợi cho sự phát sinh viêm xoang mủ cấp tính, thường thấy có:

- Nguyên nhân toàn thân: mệt mỏi quá mức, thiếu dinh dưỡng, rối loạn nội tiết, cơ địa dị ứng, hít khói thuốc lá, uống rượu bia quá độ, thiếu vitamin, khí hậu ẩm thấp, ô nhiễm môi trường… Cùng với các bệnh toàn thân đang mắc phải như thiếu máu, bệnh lao, tiểu đường… có thể dẫn đến giảm sức đề kháng của cơ thể, từ đó tạo thuận lợi cho viêm nhiễm phát sinh. Mặt khác, các bệnh truyền nhiễm cấp tính như cúm, viêm phổi, bệnh tinh hồng nhiệt, bệnh sởi, bạch hầu, thương hàn cũng dễ gây ra viêm mũi dẫn đến viêm xoang mủ cấp tính.

- Nguyên nhân tại chỗ:

Viêm mũi cấp: Quá trình viêm có thể tự nhiên lan vào niêm mạc xoang hoặc do hắt hơi và do hỉ mũi làm cho dịch mủ trong hốc mũi bị đẩy vào trong xoang gây ra viêm xoang mủ.

Những nguyên nhân khác trong mũi như cách bơi lội, ngâm nước, nhảy nước không đúng, hoặc sau khi bơi lội hỉ mũi không đúng làm cho nước bẩn có chứa vi khuẩn lọt qua lỗ thông mà vào xoang. Dịch tiết ứ đọng trong xoang quá lâu sẽ gây kích thích và ô nhiễm tại chỗ, cộng thêm sự thông khí bị tắc nghẽn nên gây ra viêm xoang mủ.

Ngoài ra, những bệnh như lệch vách ngăn mũi, phì đại xoăn mũi, khối u trong mũi, viêm mũi dị ứng, dị vật hốc mũi hoặc sưng nề niêm mạc mũi làm cản trở thông khí và dẫn lưu xoang gây ra viêm xoang mủ cấp tính.

Do ảnh hưởng của bệnh lý ở các tổ chức lân cận như viêm amidan, mụn nhọt ở mặt và viêm xương mặt. Nhiễm trùng răng hàm trên, khi nhổ răng làm tổn thương thành xoang mũi hoặc vô tình đẩy chân răng còn sót vào trong xoang... cũng có thể gây ra viêm xoang hàm trên cấp tính.

Chấn thương và nhiễm trùng ngoại lai: Do xoang hàm, xoang trán và xoang sàng nằm khá nông nên dễ bị chấn thương, dị vật tồn lưu, nhiễm trùng máu…đều có thể dẫn đến viêm xoang mủ.

Thay đổi khí áp đột ngột: Khi máy bay hạ độ cao đột ngột, làm tăng khí áp hốc mũi, đẩy dịch viêm ở mũi vào xoang, gây ra viêm xoang mủ cấp tính.

Điều trị bệnh

Tùy theo mức độ của bệnh mà đưa ra phương án điều trị thích hợp như điều trị nội khoa hay điều trị phẫu thuật. Mục đích để phục hồi sự lưu thông khí và phục hồi sự dẫn lưu dịch ở mũi - xoang, làm cho niêm mạc bị bệnh trở lại trạng thái bình thường. Cố gắng bảo tồn tối đa cấu trúc giải phẫu và duy trì chức năng sinh lý bình thường của mũi xoang.

Nếu niêm mạc mũi - xoang chưa thoái hóa nhiều, lỗ thông xoang chưa bị bít tắc thì điều trị nội khoa bằng kháng sinh, kháng viêm, co mạch tại chỗ, rửa bằng nước muối sinh lí... sẽ mang lại kết quả tốt. Viêm xoang hàm tích mủ nhiều, có thể thông rửa xoang hàm rồi đưa thuốc kháng sinh vào.

Khi điều trị bằng thuốc dài ngày và nhiều đợt vẫn không có hiệu quả thì có thể đặt vấn đề can thiệp phẫu thuật. Hiện nay kĩ thuật nội soi mũi xoang ngày càng tiến bộ, giúp ích rất nhiều cho sự chăm sóc và điều trị viêm xoang.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục