Những chỉ số sức khỏe phụ nữ không nên bỏ qua

Theo Kim Ngân/ANTĐ, icon
08:00 ngày 31/03/2016

VTV.vn - Huyết áp, nồng độ cholesterol, đường huyết, mật độ xương... là một vài chỉ số sức khỏe quan trọng mà phái đẹp không nên bỏ qua.

Nhiều phụ nữ chủ quan cho rằng mình có sức khỏe rất tốt nên không có thói quen đi khám bệnh thường xuyên. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều người khi biết mình mắc bệnh đã quá muộn. Thăm khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp kiểm soát và phòng tránh nguy cơ bệnh tật. Dưới đây là những kiểm tra chỉ số sức khỏe mà phụ nữ nên làm để chắc chắn mình có một sức khỏe tốt.

Huyết áp

120/80 là chỉ số huyết áp lý tưởng, đơn vị đo là mm thủy ngân (mmHg). Huyết áp thấp vẫn tốt hơn trong khi chứng huyết áp cao (từ 140/90 mmHg trở lên) được coi là “kẻ giết người thầm lặng” do không có triệu chứng, khó chữa trị, có thể dẫn đến bệnh tim mạch, đột quỵ, tổn hại chức năng thận, thị giác và trí nhớ.

Người bị huyết áp cao nên chú ý kiểm soát bằng cách dùng thức ăn ít chất béo, ăn nhạt, năng tập luyện, kiểm soát cân nặng, hạn chế rượu, thuốc lá và tránh căng thẳng kết hợp hỗ trợ của thuốc.

Bạn nên kiểm tra huyết áp mỗi năm 1 lần và nhiều hơn nếu bạn có nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch.

Nồng độ cholesterol


Kiểm soát chế độ ăn để hạn chế cholesterol.

Kiểm soát chế độ ăn để hạn chế cholesterol.

Cholesterol gồm 2 chỉ số LDL và HDL. Mức cholesterol bình thường là cholesterol “xấu” LDL dưới mức 100 và cholesterol “tốt” HDL trên 60. Nếu trong phạm vi này, nguy cơ bệnh tim, đột quỵ hoặc bất kỳ vấn đề tim mạch khác là thấp. Vì vậy, bạn nên kiểm tra cholesterol hàng năm nếu bạn có nguy cơ bệnh tim.

Tuyến giáp

Hơn 1 trong 10 phụ nữ sẽ gặp vấn đề về tuyến giáp trong suốt cuộc đời của mình, theo Hiệp hội Tuyến giáp Mỹ. Triệu chứng bệnh tuyến giáp là hôn mê, giảm cân, táo bón và đau mãn tính.

Hormone kích thích tuyến giáp là một chỉ số phản ánh sức khỏe của tuyến giáp. Mặc dù không nhất thiết phải đi kiểm tra tuyến giáp hàng năm, nhưng nếu xuất hiện những cơn đau không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, các vấn đề tiêu hóa hoặc thay đổi cân nặng, bạn nên xét nghiệm tuyến giáp, TS Antonio Bianco, Đại học Rush (Mỹ) cho biết.

Mức đường huyết

Nếu bạn đang khỏe mạnh, cơ chế điều chỉnh lượng glucose diễn ra bình thường nhưng khi cơ thể không có đủ insulin - chất chuyển đổi đường sang dạng năng lượng cung cấp cho cơ thể, bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Những người khỏe mạnh cũng có nguy cơ mắc tiểu đường, vì vậy, bạn nên kiểm tra chỉ số đường huyết hàng năm.

Mật độ xương

Kiểm tra này đánh giá mật độ xương, giúp bác sĩ xác định nguy cơ bị loãng xương hay gãy xương. Phụ nữ 65 tuổi trở lên và cả phụ nữ trẻ đã bị gãy xương hoặc có tiền sử gia đình về các vấn đề xương nên làm xét nghiệm này mỗi năm.

Chu vi vòng eo

Chu vi vòng eo là một yếu tố dự báo về vấn đề sức khỏe chuẩn xác hơn so với chỉ số BMI. Nếu vòng eo của bạn trên 90cm, bạn có nguy cơ gia tăng bệnh tim, tiểu đường và hội chứng chuyển hóa. Vì vậy, bạn nên đo vòng eo 1-2 lần/năm.

Xét nghiệm chỉ số máu

Xét nghiệm này đánh giá số lượng các tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, hemoglobin và một số dấu hiệu khác của sức khỏe. Nó cũng cho thấy bạn bị nhiễm trùng hoặc bị thiếu máu.

Một số xét nghiệm quan trọng khác

Tùy thuộc vào độ tuổi và nguy cơ mắc bệnh bạn nên tiến hành một số xét nghiệm khác. Đặc biệt, bạn nên xét nghiệm chức năng gan (LFT) và creatine (để đánh giá chức năng thận) trước và sau thời kỳ mãn kinh.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục