Những điều cần biết về bệnh đục thủy tinh thể

Như Thúy, icon
11:27 ngày 23/11/2018

VTV.vn - Đục thủy tinh thể là căn bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, người bệnh có thể bị suy giảm thị lực, tầm nhìn mờ và thậm chí có thể gây mù lòa.

Hình minh họa.

Thể thủy tinh là một thấu kính tự nhiên của mắt, nó nằm ở ngay sau mống mắt và đồng tử. Thể thủy tinh đóng vai trò như một thấu kính của máy ảnh để hội tụ ánh sáng đúng vào võng mạc, nhờ đó mắt nhìn được rõ mọi vật. Thể thủy tinh còn có tác dụng điều chỉnh tiêu điểm của mắt để chúng ta có thể nhìn rõ ở mọi khoảng cách xa và gần.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, bệnh đục thể thủy tinh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở những người trên 50 tuổi và là nguyên nhân chính của mù lòa trên thế giới. Ở Việt Nam, đục thể thủy tinh chiếm gần 70% tổng số người mù.

Đục thể thủy tinh thường có 3 loại: đục nhân, đục vỏ, và đục dưới bao sau.

Triệu chứng của bệnh đục thể thủy tinh

Ở giai đoạn bắt đầu, đục thể thủy tinh thường ít ảnh hưởng đến thị lực, người bệnh có thể chỉ thấy nhìn hơi mờ hơn, giống như nhìn qua một tấm kính mờ. Người bị đục thể thủy tinh cũng có thể bị chói hoặc lóa mắt với ánh sáng mặt trời hoặc lóa mắt khi gặp ánh đèn xe đi ngược chiều ở phía trước. Mắt nhìn các màu sắc không còn tươi sáng.

Một số người đang dùng kính lão thị có một thời gian tự nhiên thấy đọc sách rõ mà không cần đeo kính là do nhân thể thủy tinh bị đục làm tăng độ hội tụ của thể thủy tinh. Tuy nhiên, sự cải thiện thị lực tự nhiên này chỉ nhất thời, nó sẽ mất đi khi đục thể thủy tinh tăng thêm. Đục thể thủy tinh càng nhiều khiến cho mắt càng mờ, ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống nếu không được điều trị.

Nguyên nhân của đục thể thủy tinh

Nguyên nhân thường gặp nhất là do tuổi già, ngoài ra nhiều yếu tố nguy cơ khác cũng có thể gây đục thể thủy tinh: bức xạ cực tím từ ánh sáng mặt trời, bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, hút thuốc lá, dùng thuốc corticosteroid trong thời gian dài, chấn thương mắt, bệnh viêm mắt, cận thị nặng, phẫu thuật mắt trước đó, yếu tố gia đình, v.v.

Phòng bệnh đục thể thủy tinh

Một số chất dinh dưỡng có thể làm giảm nguy cơ đục thể thủy tinh: vitamin E, các carotenoid lutein và Zeaxanthin từ các thực phẩm như rau bó xôi, hạt hướng dương, hạnh nhân, các loại rau xanh khác. Vitamin C và các loại thực phẩm chứa axit béo omega-3 cũng có tác dụng giảm nguy cơ đục thể thủy tinh.

Một chú ý quan trọng để giảm nguy cơ đục thể thủy tinh là khi ra nắng cần đeo kính râm có tác dụng ngăn chặn 100% tia cực tím.

Điều trị đục thể thủy tinh

Phẫu thuật đục thể thủy tinh là một biện pháp đơn giản, không đau, và hiệu quả nhất để phục hồi thị lực cho những người đục thể thủy tinh. Phương pháp hiện đại nhất là phẫu thuật phaco (phacoemulsification) trong đó người ta hút bỏ thể thủy tinh đục qua một đường rạch nhỏ (dưới 3 mm), sau đó thay vào đó bằng một thể thủy tinh nhân tạo (kính nội nhãn). Người bệnh có thể ra viện ngay trong ngày và thị lực phục hồi ngay sau phẫu thuật.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục